Giải pháp thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Cập nhật lúc 9:37, ngày 09/12/2016 (GMT+7)
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh, các xã trên địa bàn phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 49 triệu đồng/năm vào năm 2019 (tăng 15 triệu đồng so với năm 2016). ..

 Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh, các xã trên địa bàn phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 49 triệu đồng/năm vào năm 2019 (tăng 15 triệu đồng so với năm 2016). Để đạt được mục tiêu trên, hiện các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt tiêu chí thu nhập. Trong đó chủ yếu là khai thác tối đa những lợi thế của địa phương, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực CN-TTCN và dịch vụ để đa dạng hóa nguồn thu, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.


Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã có 112 xã đạt chuẩn NTM với bình quân khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người năm 2015, tăng 22,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010 và tăng gần 3 lần so với trước khi bắt tay vào xây dựng NTM. Đặc biệt ở 112 xã NTM thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng năm 2015. Đây là động lực lớn cho toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu để đạt kế hoạch đến năm 2019, có 100% số xã đạt tiêu chí số 10 theo chuẩn NTM. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta còn 113 xã tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó năm 2016 tỉnh tiếp tục công nhận 45 xã đạt chuẩn NTM; các xã còn lại tiếp tục phấn đấu từ nay đến năm 2019. Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 thì mức thu nhập bình quân đầu người nếu các xã hoàn thành NTM vào năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt sẽ là khoảng 33 triệu đồng, 40 triệu đồng, 45 triệu đồng và 49 triệu đồng/người/năm. Để thực hiện thắng lợi tiêu chí này, UBND tỉnh đã xác định các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên cả 3 mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Từng bước tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và nông sản chế biến trong cơ cấu ngành. Xác định lựa chọn các sản phẩm, các cây con chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển sản xuất hàng hóa. Phát triển nhanh các hình thức tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa “cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị” và các mô hình kinh tế trang trai, gia trại. Ở các xã phải có các mô hình liên kết trong từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và ngành nghề nông thôn. Rà soát các vùng trồng lúa kém hiệu quả, đồng thời lập phương án thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật thâm canh và cơ giới hóa vào sản xuất và chế biến nông sản. Tăng cường quản lý chất lượng nông, thủy sản, đảm bảo nông, thủy sản của địa phương đạt tiêu chí an toàn. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển kinh tế hộ và trang trại. Đổi mới mô hình kinh tế hộ theo hướng khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo mô hình trang trại, gia trại thông qua HTX, tổ hợp tác để mở rộng sản xuất và hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản, áp dụng công nghệ tiên tiến và sản xuất hàng hóa lớn, bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động các HTX nông nghiệp với đủ 5 nội dung chủ yếu theo Luật HTX năm 2012, xây dựng các HTX hoạt động hiệu quả tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác. Đảm bảo từ 70-90% HTX sau chuyển đổi sản xuất, kinh doanh có lãi, trong đó có ít nhất 70% HTX tham gia các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và 30% HTX tham gia các chuỗi tiêu thụ nông sản cho nông dân. Phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn theo hướng tập trung nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách xã; tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng NTM. Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch làng nghề nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt đối với làng nghề truyền thống để mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Khuyến khích các hộ, nhóm sản xuất, các tổ hợp tác phát triển thành doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các chương trình đầu tư phát triển như: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và phát triển sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế; rà soát, điều chỉnh lại hệ thống cụm, điểm công nghiệp và thương mại nông thôn… Đồng thời tranh thủ tối đa các chương trình quốc gia khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề, vốn phát triển sản xuất cho lao động nông thôn và sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực NN và PTNT của các nước bạn… Ngay trong tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh lại tiếp tục nhận được đề nghị hợp tác sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Ecop. Những tín hiệu vui này là cơ sở quan trọng định hướng cho các địa phương phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo bước chuyển mới về thu nhập cho nông dân. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của tỉnh, các địa phương phát huy kinh nghiệm xây dựng NTM giai đoạn trước, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để chỉ đạo các xã triển khai thực hiện. Chú trọng tận dụng tối đa các thế mạnh của từng địa phương, quan tâm phát triển dịch vụ thương mại, thúc đẩy giao thương để tăng cường trao đổi hàng hóa, quảng bá tiềm năng để thu hút đầu tư.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, định hướng phát triển và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, các địa phương chắc chắn sẽ thực hiện đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương (Báo Nam Định)