Chỉ trong một ngày, thêm 3 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Cập nhật lúc 14:21, ngày 11/03/2019 (GMT+7)
(Dân Việt) Đã có thêm những ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định, nâng số địa phương có dịch lên con số 13. Với tình hình phức tạp như hiện nay, có thể đây chưa phải là con số cuối cùng.

 Tốc độ lây lan nhanh

Ngày 9.3.2019, Chi cục Thú y vùng I đã có kết quả xét nghiệm 5 mẫu bệnh phẩm của đàn lợn ở xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh (Nam Định) với 4/5 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đưa Nam Định trở thành địa phương thứ 13 xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.

Cũng trong sáng 9.3, tỉnh Quảng Ninh công bố có dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch được phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều. Trước đó, đàn lợn của bà Làn có biểu hiện sốt, bỏ ăn, nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã lấy bốn mẫu phẩm gửi lên Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng) xét nghiệm. Đến 23h30 cùng ngày, kết quả cho thấy bốn mẫu phẩm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Tại tỉnh Ninh Bình, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện tại địa phương này. Cụ thể, trong thông báo trả lời kết quả Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình ký ngày 8.3, Chi cục Thú y vùng I xác nhận, 2/4 mẫu bệnh phẩm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình gửi xét nghiệm, Phòng thí nghiệm thuộc Chi cục Thú y vùng I phát hiện dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Hộ chăn nuôi có lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi thuộc gia đình ông Nguyễn Xuân Hải, ở Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. 

Như vậy, đến nay, đã có 13 tỉnh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, gồm: Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Hơn 11.367 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Có một điểm chung của hầu hết các ổ dịch là bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn (đàn lớn nhất 578 con đã buộc phải tiêu hủy tại TP.Hải Phòng).

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch các địa phương đều vào cuộc rất quyết liệt, tiêu hủy ngay lập tức đàn lợn bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn.


Rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng khu vực có dịch. Ảnh: Trần Quang.

Tìm giải pháp cắt đứt mầm bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, có thể thấy đường đi của virus, nguồn lây bệnh dịch tả lợn châu Phi rất khó kiểm soát. Tại sao ở một địa phương xa xôi, hẻo lánh ở Điện Biên cũng xuất hiện ổ dịch; hay tại nhiều địa phương ổ dịch thứ nhất cách ổ dịch thứ hai mười mấy kilomet. Điều này lý giải vì sao dù ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, khoanh vùng dập dịch nhưng dịch vẫn lây lan.

"Nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch tại Trung Quốc đã chỉ ra ba nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng. Vì vậy, phải khẩn cấp tìm giải pháp cắt đứt mầm bệnh" - Thứ trưởng Tiến nói.

Chỉ rõ sự phức tạp trong đường lây của dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, có khi chỉ cần sang nhà nhau chơi cũng vô tình mang theo dịch bệnh; nguồn thức ăn thừa cũng là một nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; vệ sinh tiêu độc khử trùng; khoanh vùng ổ dịch; không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi mà phải lập tức tiêu hủy.

Anh Thơ

Nguồn: Danviet.vn