Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định tham gia bảo vệ môi trường nông thôn
Cập nhật lúc 9:36, ngày 13/09/2021 (GMT+7)
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giúp nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn.

 

Hướng dẫn kỹ thuật đào hố ủ rác hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã, thị trấn trong tỉnh đã tích cực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường với các chỉ tiêu thành phần như: Cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; 50% số thôn, xóm trở lên triển khai phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình và cộng đồng; các khu dân cư tập trung có hệ thống thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý trước khi đổ ra kênh mương; các hộ gia đình đảm bảo “3 sạch” (sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ); xã có hoạt động xử lý rác thải thân thiện với môi trường; phải duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã đạt 90% trở lên. Nhận thức rõ công tác vệ sinh môi trường có ý nghĩa quan trọng, lâu dài và là tiêu chí khó thực hiện,trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định tổ chức triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dânbảo vệ môi trườngthu hút đông đảo cán bộ, hội viên nhiệt tình hưởng ứng.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các chương trình phối hợp với Trung ương Hội, Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Chỉ đạo 10/10 huyện, thành Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường; đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương để Hội đứng ra đảm nhận tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội. Đưa chỉ tiêu bảo vệ môi trường thành một trong các chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại công tác Hội hàng năm.

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cựcphối hợp hưởng ứng các hoạt động truyền thông như: “Tuần lễ Quốc gia nước sạch & vệ sinh môi trường; “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Ngày Môi trường thế giới 05/6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Ngày Nước thế giới 22/3, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam… Chủ động viết tin, bài tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, giới thiệu mô hình, gương điển hình tiêu biểu trong phong trào bảo vệ môi trường nông thôn… trên đài phát thanh địa phương, Bản tin Nông dân Nam Định, Website hoinongdannamdinh.org.vn; facebook Nông dân Nam Định; phối hợp kẻ vẽ pa nô, áp phích khẩu hiệu, cung cấp tờ rơi, sách báo tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với sản xuất, đời sống, sức khoẻ con người.Hàng năm, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV; tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI để xử lý rơm rạ sau thu hoạch góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Thành lập các tổ tự quản vệ sinh môi trường với đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, hàng tháng tổ chức ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh thoát nước ở khu dân cư, chăm sóc tuyến đường hoa, hàng cây nông dân tự quản, cải tạo chỉnh trang khuôn viên gia đình,giữ cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường như: Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn”;mô hình “Sử dụng và quản lý sau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”;mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”…Đặc biệt là mô hình “Thu gom, phân loạirác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”đượctriểnkhai từ năm 2018 đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của chính quyền địa phương và các ban, ngành cùng sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình; tổ chứctham quan, học tập mô hình, đồng thời tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để nhân rộng mô hìnhtại địa phương. Kết quả đến nay,Hội Nông dân các cấp cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình với tổng số tiền 5.232,91 triệu đồng. Mô hình được nhân rộng trên địa bàn 115 xã/thị trấn, trong đó có 68 đơn vị Hội cơ sở trực tiếp vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia thực hiện mô hình; 65 cơ sở Hội phối hợp cùng các ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai xây dựng mô hình. Số chi Hội tham gia thực hiện mô hình là 1.256/3.167 chi Hội. Các hộ dân đã trang bị 35.221 thùng ủ rác, đào được 30.110 hố ủ rác thải hữu cơ có nắp đậy để xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình. Tiêu biểu là các đơn vị: Hội Nông dân huyện Hải Hậu có 100% số chi Hội trên địa bàn 34/34 xã, thị trấn thực hiện mô hình; Hội Nông dân huyện Vụ Bản trực tiếp vận động và phối hợp cùng các đoàn thể nhân rộng mô hình trên địa bàn 100% xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các huyện, thành phố tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình đảm bảo vệ sinh môi trường như mô hình “Hàng cây nông dân” ở huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản; mô hìnhXây dựng tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải” ở thành phố Nam Định; mô hình Vườn kiểu mẫu ở huyện Hải Hậu; mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản” ở huyện Mỹ Lộc, thành phố; mô hình Thu gom bao bì, thuốc BVTV” ở 133 xã/thị trấn các huyện Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Hải Hậu; mô hình “Tổ tự quản vệ sinh môi trường”được nhân rộng trên địa bàn 116 xã/phường/thị trấn, tiêu biểu Hội Nông dân huyện Vụ Bản có 100% số chi Hội Nông dân có tổ tự quản, mỗi chi Hội có ít nhất một tuyến đường nông dân tự quản.

Bằng những việc làm cụ thể mang ý nghĩa thiết thực, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Các mô hình bảo vệ môi trường được xây dựng và ngày càng nhân rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia.Nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên và môi trường sống được nâng lên. Trong thời gian tới, các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò chủ thể trong cuộc vận động giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng nông thôn mới Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguyễn Thị Duyên

Ban Kinh tế - Xã hội