Gia tăng hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp theo công nghệ Nhật Bản
Cập nhật lúc 14:22, ngày 09/03/2022 (GMT+7)
Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển, đạt được những thành tựu to lớn ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và các địa phương. Cùng chung xu hướng đó, tỉnh Nam Định đã tích cực tiếp cận phối hợp triển khai nhiều chương trình hợp tác với các đối tác Nhật Bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

 


 Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên)
trồng rau theo công nghệ Nhật Bản nên sản phẩm luôn đảm bảo năng suất, chất lượng cao.

Từ những kết quả nền tảng…

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) trồng rau màu theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao do sâu bệnh, thời tiết diễn biến bất thường. Cuối năm 2018, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện tham gia khóa học trồng rau màu và trực tiếp tham quan mô hình trồng rau tại Nhật Bản, chị Hòa đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước sạch tự động phục vụ trồng các loại su hào, bắp cải, cải bó xôi theo công nghệ Nhật Bản. Chị Hòa cho biết: Trồng trong nhà lưới nên việc sản xuất rau hoàn toàn chủ động về thời vụ, lịch trồng, thời điểm thu hoạch; đồng thời hạn chế tối đa các loại sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Các loại rau do gia đình chị sản xuất đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên được các siêu thị, đại lý nông sản trong tỉnh đặt mua theo giá thị trường. Với hơn 3 sào trồng rau trong nhà lưới mỗi năm mang lại cho gia đình chị nguồn thu từ 140-150 triệu đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần so với cách trồng thông thường truyền thống… Đây chỉ là một trong những mô hình tiêu biểu về hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với các địa phương của Nhật Bản. Nằm trong lộ trình hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản, thời gian qua, tỉnh Nam Định, tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác 3 bên về phát triển nông nghiệp. Theo thỏa thuận phối hợp, các chuyên gia của tỉnh Miyazaki hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ cho tỉnh Nam Định thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp”. Dự án được triển khai tại HTX Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) từ năm 2016. Kết quả đã hoàn thành sản xuất được 5 lô phân hữu cơ với tổng sản lượng trên 200 tấn. Từ những kết quả tích cực ban đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra HTX Bắc Cường và một số HTX khác trong tỉnh với sản lượng gần 500 tấn phân hữu cơ có chất lượng tốt, phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Cùng với hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp cụ thể, các tỉnh của Nhật Bản cũng hỗ trợ Nam Định đào tạo, chuyên gia về nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ tháng 11-2015 đến nay, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại tỉnh Nam Định đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo tiếng Nhật được 3 khóa học cho 120 học viên. Trong đó có 40 học viên hiện đang theo học tại trung tâm; 23 học viên đi theo chương trình thực tập sinh làm việc tại Công ty Nông nghiệp Shi-I, tỉnh Miyazaki; 14 học viên sang du học tại Trường Đại học Minami Kyushu; 43 học viên sang làm việc tại các doanh nghiệp của Nhật Bản. Theo chương trình hợp tác, từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh đã cử 10 cán bộ của ngành Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, là những học viên đã tốt nghiệp tiếng Nhật do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại tỉnh Nam Định đào tạo sang nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất nông sản, mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp tại Nhật Bản. Hiện, tỉnh ta đang xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau trung học cơ sở tỉnh Nam Định”. Đề án đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA hỗ trợ tiền lương, chi phí đi lại cho các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam hướng dẫn, đào tạo 6 học viên của Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trở thành các giảng viên. Đến nay, khóa học nghề Trung cấp nông nghiệp đầu tiên theo chương trình đào tạo của Nhật Bản đã được khai giảng và thu hút 60 học sinh tham gia. Đây là tiền đề quan trọng để tạo dựng lớp cán bộ có chuyên môn tốt phục vụ các chương trình phát triển sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản tại các địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Nam Định, tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu còn hợp tác đồng nghiên cứu các gen di truyền á nhiệt đới, một số loại cây trồng để phát triển thành vùng chuyên canh tại Nam Định nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản và Việt Nam. Hiện 3 bên đang tập trung nghiên cứu, đưa cây chuối tây của Nam Định trồng trên nền đất, bón phân hữu cơ trong nhà kính tại Trung tâm Thực nghiệm cây ăn quả tỉnh Miyazaki. Cây chuối tây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây đạt 4-5m, đường kính thân cây đạt 25-30cm, có cây đã đẻ từ 4-5 cây con; trong tổng số 12 cây, có 2 cây đã ra hoa và đang phát triển quả. 

Không chỉ ngành Nông nghiệp mà các doanh nghiệp của tỉnh Nam Định, tỉnh Miyazaki, Fukui cũng đã có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu lẫn nhau và xây dựng cơ sở hợp tác, phát triển. Cụ thể, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định (thành phố Nam Định) thông qua Công ty Nông nghiệp Shi-I để xuất khẩu trên 220 tấn muối sạch sang Nhật Bản. Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui thành lập Công ty liên doanh hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ lúa gạo. Nhờ đó, từ vụ xuân năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Cường Tân đã liên kết, tổ chức sản xuất trên 100ha lúa, với sản lượng đạt 600 tấn/vụ để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các bên, đến tháng 12-2021, tổng số lao động của Nam Định đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là 5.561 người…

Hướng đến tương lai tươi sáng 

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, thủy sản, chế biến nông sản. Mở rộng hợp tác các ngành nghề liên kết đào tạo và tiếp nhận học sinh sau tốt nghiệp theo chương trình liên kết đào tạo. Hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất, ứng dụng phân hữu cơ ra các địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trong tỉnh. Tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá chất lượng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản. Xúc tiến chương trình tiêu thụ sản phẩm rau, quả hữu cơ gắn với chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản sạch có chất lượng cao của tỉnh Nam Định tại Nhật Bản. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực khoa học nông nghiệp thông qua chương trình hợp tác với Trường Đại học Minami Kyushu; hợp tác đồng nghiên cứu các gen di truyền á nhiệt đới, nghiên cứu một số loại cây trồng để phát triển thành vùng chuyên canh có chất lượng cao tại Nam Định. Tổ chức xúc tiến chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp Nam Định với doanh nghiệp tỉnh Miyazaki trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất tiêu thụ sản phẩm chuối tây. Tích cực triển khai hiệu quả đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ trung cấp nghề nông nghiệp chất lượng cao tỉnh Nam Định”. Thúc đẩy hoạt động Văn phòng xúc tiến hợp tác của tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu tại Nam Định để thực hiện hiệu quả các nội dung trong biên bản thỏa thuận 3 bên đã được ký kết.

Những kết quả trên cho thấy truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hợp tác của Việt Nam - Nhật Bản nói chung, tỉnh Nam Định với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản nói riêng. Theo đồng chí Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, dư địa hợp tác phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh của Nhật Bản vẫn còn nhiều. Vì thế, với vai trò, trách nhiệm, Tổng lãnh sự sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định tới cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Để phát huy hiệu quả khai thác, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, Nam Định cần chủ động tham gia chương trình giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội và Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Fukuoka trong năm 2022. Đây là những cơ hội tốt để Nam Định giới thiệu, quảng bá và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng của Nhật Bản đầu tư vào địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu tạo đột phá kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn: baonamdinh.com.vn