Vai trò của các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng trong tham gia bảo vệ môi trường
Cập nhật lúc 8:57, ngày 13/11/2020 (GMT+7)
Đ/c Lê Hồng Thanh - Nguyên Phó Bí thư Thường trực,Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Hưng

 Triển khai Kết luận số 54, ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ban ngành Trung ương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 29/3/2019 về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2020. Huyện ủy Nghĩa Hưng tập trung lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần không nhỏ để huyện Nghĩa Hưng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017. Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các cấp Hội trong huyện tiếp tục vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, Hội Nông dân từ huyện tới cơ sở đã chú trọng thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020… Các cấp Hội tổ chức quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên; tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền vận động hội viên, hướng vào những hội viên nông dân là cán bộ, đảng viên ở cơ sở gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện. Qua đó tạo khí thế mới, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng từng hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng đã phát huy vai trò của tổ chức Hội, chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng- xanh- sạch- đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống; thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các cụm - điểm công nghiệp….Hội đã đề xuất được những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tế ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực.

 

HND xã Nghĩa Thái tham gia chăm sóc hàng cây nông dân

Trước đây, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn tồn tại nhiều bất cập; Các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản, làng nghề,…chưa áp dụng các biện pháp về đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2010, trên địa bàn huyện chưa có công trình cung cấp nước sinh hoạt, tập trung, 100% số hộ dân sử dụng nước giếng khoan và nước mưa trong sinh hoạt; trang trại gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm còn nằm trong khu dân cư chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tiêu, nhà tắm, bể nước) hợp vệ sinh đạt 70%; 10/22 xã có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt.

Xuất phát từ thực trạng về môi trường tại địa phương, hàng năm các cấp Hội Nông dân trong huyện đã triển khai 100% chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện 6 quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉ đạo 100% cơ sở Hội đảm nhận một phần việc cụ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, 50% chi hội có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải đồng ruộng, trồng và chăm sóc hàng cây xanh. Điển hình như tổ thu gom xử lý rác thải xã Phúc Thắng (xã Nghĩa Thắng cũ) do Hội Nông dân xã đứng lên đảm nhận từ năm 2017 đảm bảo lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý hàng ngày không để rác thải lưu chứa trong khu dân cư quá 2 ngày, Hội Nông dân xã Nghĩa Thái thu gom rác thải đồng ruộng, trồng bảo vệ hàng cây trên trục đường xã, Hội Nông dân xã Nghĩa Hải xây dựng mô hình “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” dài 300m, trồng 40 chậu hoa giấy, Hội Nông dân xã Nghĩa Minh triển khai cho cán bộ, hội viên thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Năm 2019 Hội Nông dân huyện đã phối hợp xây dựng 2 mô hình điểm về “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại xã Nghĩa Bình và Nghĩa Hồng, năm 2020 đã hỗ trợ một phần kinh phí cho 22 xã, thị trấn còn lại nhân rộng mô hình. Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, tuyến đường kiểu mẫu…Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực thi, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với việc phát huy vai trò cộng đồng, các tổ chức chính trị- xã hội trong việc quản lý, bảo vệ, làm đẹp cảnh quan môi trường, xác định công tác bảo vệ môi trường nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm để tạo điểm nhấn nổi bật trong xây dựng nông thôn mới năm 2020 và những năm tiếp theo.

Những hoạt động tích cực của Hội Nông dân từ huyện tới cơ sở, đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của huyện, đời sống của nhân dân trong huyện và bộ mặt nông thôn của huyện Nghĩa Hưng ngày càng thay đổi rõ rệt, nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do cấp uỷ, chính quyền địa phương phát động, đó là những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp Hội Nông dân trong huyện cũng còn bộc lộ những mặt hạn chế cần được khắc phục kịp thời. Một số cơ sở Hội chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với tiêu chí cảnh quan môi trường. Vai trò của Hội Nông dân ở một số cơ sở còn hạn chế trong việc chủ động phối hợp, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền để triển khai nhiệm vụ của Hội. Công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân còn lúng túng, sức thuyết phục chưa cao. Phong trào hoạt động ở một số đơn vị chưa đồng đều, chưa tạo được động lực mạnh mẽ có tính toàn diện trong mỗi phong trào thi đua.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững.

2. Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, thực sự là trung tâm nòng cốt tập hợp hội viên và phong trào nông dân. Giữ vững nền nếp, chế độ sinh hoạt của các cấp Hội nhất là ở chi hội cơ sở; khắc phục những hạn chế, yếu kém, những biểu hiện hình thức, hành chính hóa trong hoạt động của Hội. Hội Nông dân các cấp cần hướng đến lợi ích thiết thực của nông dân thông qua các hoạt động như: Vận động hội viên tham gia mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải mềm thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình”, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc đường hoa, trồng cây xanh, bảo vệ dòng sông …

3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp Hội và trong hội viên, nông dân. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chăm lo bảo vệ môi trường”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hướng dẫn, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến nông, đào tạo và dạy nghề, chương trình tín dụng ngân hàng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

4. Phát huy vai trò của tổ chức Hội tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, Chính quyền các cấp theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân và dư luận xã hội phản ánh đến các cơ quan có trách nhiệm.

Có thể nói với những thành tích đã đạt được của Hội Nông dân từ huyện tới cơ sở trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng huyện Nghĩa Hưng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.