Vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng gia đình văn hóa
Cập nhật lúc 16:14, ngày 20/09/2018 (GMT+7)
Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân. Phong trào đã có tác dụng thiết thực cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến và góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam.

 

Nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa nói riêng, ngay từ đầu năm, HND tỉnh đã phát động, chỉ đạo các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh thực hiện phong trào gắn với thực hiện các chỉ tiêu công tác Hội. Trên cơ sở đó, HND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ như: tiêu chuẩn xây dựng gia đình nông dân văn hóa, phát động hội viên đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa; xây dựng làng/xóm/tổ dân phố văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, bảo vệ môi trường… gắn với xây dựng NTM. Cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, các cấp HND trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của gia đình trong việc hình thành, giáo dục nhân cách, ngăn chặn các tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Nông dân Nam Định và những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các lớp truyền thông nâng cao kiến thức gia đình, chăm sóc sức khỏe; qua các hội thi Nhà nông đua tài, Liên hoan Tiếng hát đồng quê… Đặc biệt, các cấp Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua hoạt động của CLB “Gia đình nông dân hạnh phúc” với 6 tiêu chí do Trung ương HND Việt Nam quy định, cụ thể như: không đói nghèo, đủ ăn và vươn lên làm giàu; không đông con, không sinh con thứ 3; không có trẻ em bị suy dinh dưỡng, không có phụ nữ mắc bệnh vì sinh đẻ, không ăn ở mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; không có người mù chữ, con em bỏ học; không theo tập tục lạc hậu mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; không vi phạm chính sách pháp luật và làm mất an ninh thôn xóm. Thông qua hoạt động của CLB theo 6 tiêu chí trên đã góp phần tích cực trong việc giảm đáng kể số vụ bạo lực gia đình; ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các tệ nạn xã hội phát sinh từ gia đình; nâng cao kiến thức xã hội, cách thức xây dựng mái ấm hạnh phúc; giúp đỡ, tương trợ giữa các thành viên CLB cùng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình… Qua đó, ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng cao rõ rệt, các gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy ước, hương ước về xây dựng gia đình văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều gia đình đã trở thành điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nuôi dạy con ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống có tình, có nghĩa với xóm giềng, trọng đạo lý nghĩa tình, trọng quan hệ họ hàng dòng tộc và có trách nhiệm trước xã hội. Phấn đấu nhiều thế hệ con cháu học hành tiến bộ, có nhiều đóng góp cho quê hương, giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng Gia đình nông dân văn hóa có sự phát triển về chiều sâu và thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng, HND các cấp trong tỉnh đã gắn mục tiêu của phong trào với việc đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bởi đời sống kinh tế phát triển là tiêu chí hàng đầu để trở thành Gia đình nông dân văn hóa hướng tới mục tiêu gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhằm thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 151.377 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, số hộ đạt là 78.790 hộ, bằng 20,8% so với số hộ nông dân. 

Bằng những hoạt động hiệu quả, thiết thực trong việc vận động hội viên, nông dân xây dựng Gia đình nông dân văn hóa nên số hộ gia đình nông dân đăng ký hằng năm tăng; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Qua bình xét hằng năm, đến nay, toàn tỉnh có 274.802 hộ gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hóa, bằng 78,3% số hộ đăng ký. Qua đó, các hoạt động của Hội đã góp phần tích cực vào xây dựng NTM của tỉnh. Đến thời điểm này đã có 203/209 xã, thị trấn (bằng 97% số xã của tỉnh) đạt chuẩn NTM; 5/10 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân. Tập trung tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với việc giáo dục, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tập trung lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Hội và phong trào nông dân; phát huy vai trò tổ chức Hội trong việc xây dựng gia đình nông dân văn hóa và xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”./.

Thanh Tuấn

08:10, Thứ Hai, 10/09/2018 (GMT+7)

Nguồn: Baonamdinh.com.vn