Thị trấn Lâm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế
Cập nhật lúc 9:7, ngày 17/08/2021 (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) thị trấn Lâm (Ý Yên) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.

 

Thành viên tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thị trấn Lâm (Ý Yên) được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương HND Việt Nam.

Hàng năm, Hội đều phát động, tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đồng thời lựa chọn xây dựng mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, thị trấn có trên 1.400 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. HND thị trấn đã phối hợp và nhận ủy thác của các tổ chức tín dụng, giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Trong đó, năm 2021 đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tiếp tục giải ngân vốn vay, nâng số dư lên trên 5,6 tỷ đồng cho 108 hộ vay. Vốn vay Ngân hàng NN và PTNT giúp 850 hộ vay với dư nợ 403 tỷ đồng. HND thị trấn còn huy động các nguồn lực xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đưa tổng nguồn vốn đạt trên 73 triệu đồng, cho 4 hộ vay. Ngoài ra, 100% cơ sở và chi hội đều xây dựng quỹ để chi cho sinh hoạt của Hội và tạo điều kiện cho hội viên khó khăn vay phát triển sản xuất. Hàng năm, HND thị trấn đều rà soát, phân loại đối t­ượng hộ nghèo, phân công mỗi chi hội giúp đỡ 1 hộ nghèo về khoa học kỹ thuật, giống, vốn, vật tư, ngày công lao động; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo; thường xuyên phối hợp với HTX nông nghiệp, Trung tâm học tập cộng đồng… tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, hội viên nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; khôi phục và mở rộng ngành nghề truyền thống. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hội viên đã mạnh dạn đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào trồng cây cảnh, cây ăn quả; nhiều hộ đã đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Các nghề thủ công mỹ nghệ, chạm trổ điêu khắc, mộc, nứa chắp, sơn mài đã được đưa vào các chi hội thôn xóm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên... HND thị trấn chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, gắn kết hội viên cùng sản xuất. Ngoài tổ hợp tác sản xuất đồ đồng, năm 2021, HND thị trấn Lâm đã thành lập được tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với 14 thành viên tham gia. Tháng 7 vừa qua, 12 hộ trong tổ hợp tác đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương hỗ trợ vay 700 triệu đồng trong thời gian 36 tháng để phát triển sản xuất. Nhiều hộ nông dân đã phát huy thế mạnh nghề đúc đồng truyền thống, đầu tư mở rộng sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Toàn thị trấn hiện có trên 40 công ty, gần 2.000 hộ làm nghề đúc đồng, hàng chục người đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, 4 người được công nhận “Nghệ nhân Ưu tú”. Điển hình như anh Vũ Duy Điệp được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tháng 12-2020. Công ty của anh chuyên sản xuất các sản phẩm tượng, đồ thờ với nhiều công trình, tác phẩm tiêu biểu như: Tượng đài công nhân mỏ ở Quảng Ninh; 3 pho tượng lớn tại Việt Trì (Phú Thọ); Phù điêu cho Nhà hát Múa rối Trung ương; Tượng Nguyên phi Ỷ Lan ở Gia Lâm (Hà Nội); Tượng Phật Thích Ca cao 15m, nặng 150 tấn, là đại tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường (thành phố Nam Định); Tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tượng Ngô Quyền và tượng Vua Lê Đại Hành cao 8m, nặng 85 tấn đặt tại Hải Phòng. Hiện công ty đang thực hiện đúc công trình cụm tượng và phù điêu cho Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Hoàng Duy Cường ở thôn Tây Tống Xá từ năm 2010 đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm chủ yếu của cơ sở là các đồ đồng mỹ nghệ như tượng danh nhân, tranh đồng, chuông đồng, đồ thờ cúng tâm linh, đồ phong thủy, sản phẩm trang trí… được tiêu thụ đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Để có những sản phẩm đạt tính thẩm mỹ cao, tinh xảo đến từng chi tiết, ngoài khâu đúc cần hỗ trợ của máy móc, khâu hoàn thiện chủ yếu vẫn phải làm thủ công, đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ. Hiện tại, cơ sở đúc đồng của anh tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, HND thị trấn Lâm tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ; duy trì, phát triển ngành nghề mới, khôi phục các ngành nghề truyền thống, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo. Phấn đấu hàng năm đạt 20-25% hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 100% chi hội có phong trào đoàn kết tương trợ, giúp nhau giảm nghèo. 100% chi hội thực hiện tốt chương trình dịch vụ hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư phân bón, khoa học kỹ thuật. 100% chi hội có nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn: baonamdinh.com.vn