Phân loại rác thải tại nguồn: Hiệu quả và giải pháp nhân rộng (kỳ 1)
Cập nhật lúc 9:27, ngày 17/12/2020 (GMT+7)
Nhiều năm nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ thực hiện thu gom các loại rác thải sinh hoạt rồi xử lý theo phương thức chôn lấp và đốt bằng lò công suất nhỏ. Vì vậy các bãi chôn lấp, lò đốt rác đều bị quá tải trong điều kiện lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày một nhiều dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường thứ cấp từ xử lý rác thải. Để khắc phục trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) tự xử lý rác thải hữu cơ để tái sử

 
Người dân xã Hải Lý (Hải Hậu) sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại.

I. Hiệu quả tích cực

Từ tháng 5-2018, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì triển khai mô hình: “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xóm B, xã Hải Lý (Hải Hậu). 6 tháng đầu triển khai, Trung ương Hội Nông dân đã hỗ trợ kinh phí cho 112 hộ dân tham gia mô hình đầu tư trang bị thùng nhựa dung tích 220 lít để ủ phân hữu cơ; cung cấp chế phẩm sinh học để xử lý thành phân bón. Sau khi đưa vào thùng ủ bằng các chế phẩm vi sinh từ 30 đến 45 ngày, rác hữu cơ chuyển hóa thành phân bón có ích cho cây trồng, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường; không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ rác cũng được dân thu gom để tưới, làm ẩm lượng rác mới ủ tăng cường vi sinh giúp rác phân hủy tốt hơn hoặc hòa loãng đem tưới cho cây trồng có hiệu quả tốt, cây phát triển khỏe mạnh. Lợi ích mô hình phân loại rác, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình xóm B, xã Hải Lý đã góp phần giảm 30-40% lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung. Mô hình này nhanh chóng trở thành mô hình điểm PLRTTN và xử lý rác thải, được nhiều địa phương đến tham quan học tập kinh nghiệm. Để thúc đẩy người dân tích cực tham gia mô hình PLRTTN, năm 2019 xóm 2 Phú Lễ xã Hải Châu (Hải Hậu) đã sử dụng nguồn kinh phí xã phân bổ, hỗ trợ mỗi hộ gia đình 250 nghìn đồng đầu tư thùng rác 2 ngăn (vô cơ và hữu cơ); nắp đậy hố ủ rác hữu cơ; chế phẩm sinh học. Giai đoạn đầu người dân chưa quen, ngại, không thường xuyên phân loại, xử lý rác hữu cơ, song các tổ chức hội, đoàn thể xóm đã kiên trì vận động, đôn đốc. Nhờ đó, đến nay người dân trong xóm đã tích cực thực hiện quy trình phân loại, xử lý rác hữu cơ. Sau khi phân loại, rác vô cơ được thu gom, đưa đi xử lý; rác hữu cơ được đưa xuống hố ủ bằng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi và ruồi, muỗi. Sau khoảng 30 ngày, rác hữu cơ sẽ phân hủy thành phân bón sinh học người dân sử dụng trực tiếp bón cho cây trồng. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Bí thư chi bộ, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xóm 2 Phú Lễ: Việc triển khai, duy trì mô hình PLRTTN đã giúp cải thiện môi trường sống trong từng hộ dân; giảm tới 50% lượng rác đem đi đốt tại lò đốt rác tập trung của xã; ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong xóm được nâng lên, tích cực chung sức tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, cải tạo cảnh quan... Mô hình đã được xã Hải Châu triển khai nhân rộng đồng loạt tại các thôn, xóm của xã; đến nay đã trở thành phong trào được triển khai thực hiện tại các xã Hải Hưng, Hải Tây, Hải Hòa, Hải Long, Hải Trung, Hải Phong, Hải Phú, Hải Bắc, Hải Cường và thị trấn Yên Định. Nghĩa Minh là xã đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng sử dụng ngân sách của xã hỗ trợ các hộ dân đầu tư thùng phân loại rác triển khai mô hình PLRTTN, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh từ tháng 10-2019; hiện đã được đánh giá là thành công với một số kết quả đáng học hỏi, nhân rộng. Tiêu biểu có chị Đỗ Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia mô hình. Đặc biệt, với tinh thần dẫn dắt phong trào chị Hải còn sẵn lòng cung cấp miễn phí 5 tạ giống giun quế của gia đình mình để các hộ dân trong xã làm nguồn thay men vi sinh xử lý rác hữu cơ. Nhờ đó, đến nay toàn xã đã có 260 hộ gia đình thực hiện PLRTTN, các hộ dân còn dần chuyển đổi từ sử dụng men vi sinh sang sử dụng giun quế để phân hủy rác hữu cơ với tổng số 400 thùng xử lý rác hữu cơ bằng giun quế. Phương pháp này giúp giảm triệt để mùi xú uế khi xử lý rác hữu cơ, đặc biệt còn tạo nguồn thu cho các hộ dân từ nuôi giun quế.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN và MT): Qua rà soát, nắm bắt thông tin cho thấy,  ngoài ba mô hình tiêu biểu kể trên, còn nhiều mô hình PLRTTN tiêu biểu, đạt kết quả cao thuộc các xã: Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Nam Cường (Nam Trực), Yên Cường (Ý Yên)... Trên địa bàn tỉnh hiện cả 10/10 huyện, thành phố đã và đang triển khai thực hiện PLRTTN. Trong đó, có 82 thôn, với 6.061 hộ của 66 xã đã triển khai; 31 xã đang triển khai thực hiện PLRTTN và xử lý rác thải hữu cơ đã áp dụng một số phương pháp phân chia riêng 2 loại rác vô cơ, hữu cơ vào dụng cụ chứa rác khác nhau để thu gom, xử lý (trong đó rác hữu cơ được xử lý thành phân bón hoặc làm thức ăn cho vật nuôi...). Các địa phương huy động tối đa nhân lực, nhất là các hội, đoàn thể triển khai thực hiện; tổ chức làm điểm theo quy mô tổ đội, thôn xóm hoặc cả xã; có bố trí kinh phí hỗ trợ hộ dân triển khai. Kết quả bước đầu cho thấy giảm từ 30-40% lượng rác phải thu gom xử lý, giúp giảm áp lực cho các hầu hết các khu xử lý rác thải tập trung cấp xã đang quá tải, xuống cấp. Việc phân loại rác thải hữu cơ đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác vệ sinh môi trường ngay trong khuôn viên gia đình; tự nguyện tham gia thêm nhiều chương trình, hoạt động cải tạo cảnh quan, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường nông thôn mới.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
 Thanh Thúy

Nguồn: baonamdinh.com.vn