Nông dân Yên Tân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Cập nhật lúc 10:37, ngày 06/07/2020 (GMT+7)
Năm 2018, từ diện tích đất thầu lại của người dân, gia đình anh Hà Xuân Thức, thôn Nguyệt Trung, xã Yên Tân (Ý Yên) bắt tay triển khai mô hình trồng rau màu với các loại cây trồng chủ lực là dưa chuột, cà chua. Năm 2020, gia đình anh trồng thêm cà tím.
 

Để phát triển mô hình theo hướng bền vững, tăng giá trị hàng hóa, gia đình anh đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc phun thuốc sinh học, đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu về nông sản sạch của người tiêu dùng. Đến nay, gia đình anh trồng 5 mẫu cà tím, 8 mẫu dưa chuột, trên 2 mẫu cà chua, cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Anh và các thành viên còn thành lập Hợp tác xã tư nhân thanh niên Tân Tiến để liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Thức cho biết: Thuận lợi khi triển khai mô hình là được Công ty TNHH Hoàng Mạnh ở Hòa Bình cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua toàn bộ sản phẩm rau màu nên không phải lo về đầu ra. Mô hình trồng rau màu của anh Thức không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng, lúc cao điểm tạo việc làm cho 20 lao động.


Mô hình trồng rau màu của gia đình anh Hà Xuân Thức,

thôn Nguyệt Trung, xã Yên Tân (Ý Yên) cho thu nhập 300 triệu đồng/năm

 

Ông Quách Tiến Chuyên, Chủ tịch HND xã Yên Tân cho biết: Những năm qua, HND xã luôn quan tâm, khuyến khích hội viên tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, tạo việc làm cho hội viên, đến nay toàn xã có hàng trăm hộ đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tiêu biểu như các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi và làm giàu của gia đình ông Thức (chi hội Nguyệt Trung), ông Lượng (chi hội Nguyệt Bói), ông Nguyên (chi hội Mai Thanh). Bên cạnh đó, HND xã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng thời vụ; tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp; xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Toàn xã có 87 mô hình lúa cá và trang trại, gia trại, nhiều mô hình tiêu biểu như hộ anh Lượng, anh Nguyên, chị Phương... Nhằm khuyến khích hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, HND xã còn đẩy mạnh các hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ  mới vào sản xuất, trao đổi kinh nghiệm làm giàu, nắm bắt tình hình những hội viên khó khăn trong các lĩnh vực để tìm hướng giúp đỡ nhau về giống, vốn, vật tư, ngày công lao động, tổ chức dịch vụ, tổ chức sản xuất… HND xã đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT cho 365 hộ vay với số dư trên 43 tỷ đồng để phát triển sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số dư trên 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, HND xã còn duy trì, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay phát triển sản xuất; vận động hội viên đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau giảm nghèo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hàng năm phối hợp khảo sát, nắm chắc danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp giúp đỡ. Mỗi chi Hội phân công các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ 2 hộ nghèo và ít nhất có 1 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Theo đó, các chi Hội đã tích cực giúp đỡ các hộ nghèo về cách thức làm ăn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động, giống, vốn, vật tư trả chậm… Tiêu biểu cho phong trào này là các chi Hội Nguyệt Bói, Mai Độ, Mai Vị… Từ đó, đời sống hội viên nông dân từng bước được cải thiện; số hộ khá, giàu ngày một tăng, số hộ nghèo ngày một giảm.

Thời gian tới, HND xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng liên quan tham gia chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, mô hình kinh tế trang trại, xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; duy trì và giữ vững các mô hình chăn nuôi và trồng rau sạch... Qua đó giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống; phấn đấu có 60% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; mỗi chi Hội giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; xây dựng được 3 mô hình trang trại có mức thu nhập 600 triệu đồng/hộ/năm./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn: baonamdinh.com.vn