Nông dân Xuân Trường thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Cập nhật lúc 14:42, ngày 21/05/2020 (GMT+7)
Từ năm 2018, anh Nguyễn Viết Bằng ở xóm 1, xã Xuân Phú (Xuân Trường) cùng với 4 người khác thuê diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, bắt tay đầu tư xây dựng trang trại, làm ao nuôi cá thương phẩm, sau đó đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chạch sụn ở huyện Nghĩa Hưng về áp dụng.

 
Trang trại nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Quốc Oai xóm Phú Ân, xã Xuân Tân cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Bằng cho biết, cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính, kỹ thuật nuôi không quá khó, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh; chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, lại có xương sụn mềm khác hẳn chạch đồng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Từ kinh nghiệm học hỏi được, anh đã tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, thường xuyên xử lý nguồn nước ao nuôi bằng chế phẩm vi sinh, tạo môi trường sạch, thông thoáng để cá phát triển nhanh, đạt năng suất cao. Đến nay, mô hình đã cho kết quả khả quan với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện các anh đã có 7 ao nuôi chạch sụn với tổng diện tích trên 7,4ha, trung bình một năm thu 2 lứa cá thương phẩm, tổng sản lượng khoảng 35-40 tấn cá, đầu ra của sản phẩm luôn đảm bảo ổn định do một Công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch ở Hà Nội nhận thu mua. Ngoài ra, cứ 2 tháng một lần, trang trại của anh xuất một lứa cá giống khoảng 40 đến 50 vạn con. 

Còn tại xóm Phú Ân, xã Xuân Tân, trang trại của gia đình anh Nguyễn Quốc Oai cũng được nhiều người biết đến nhờ khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cá nước ngọt. Từ khu ruộng trũng, gia đình anh đã đầu tư công sức và hàng trăm triệu đồng đào ao thả cá, làm đường giao thông, lắp đặt hệ thống quạt nước tạo ôxy, máy cho cá ăn tự động. Các ao nuôi và nhân giống cá đều được xây dựng bài bản, khoa học. Nhờ biết vận dụng sáng tạo kinh nghiệm tích lũy được vào thực tế sản xuất, tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi; nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường nên cá phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trang trại có 2 ao cá thương phẩm, 1 ao cá giống, tổng diện tích gần 1,5ha với các loại cá truyền thống như trắm đen, trắm cỏ, chép, rô phi, ngoài ra còn kết hợp nuôi tôm đồng, tôm thẻ chân trắng. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch 50 tấn cá, 2 tấn tôm đồng, 2-3 tấn tôm thẻ chân trắng, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Xung quanh ao nuôi, anh đang trồng thêm các loại cây ăn quả đặc sản như mít thái, nhãn, dừa Bến Tre để tăng nguồn thu cho gia đình. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nông dân tiêu biểu của huyện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn, năng động trong phát triển kinh tế hộ.

Những năm qua, các cấp HND huyện Xuân Trường đã đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hàng năm, HND huyện phát động hội viên trong huyện đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tại các xã Xuân Tân, Xuân Bắc, Xuân Ngọc, Xuân Ninh, Xuân Trung, các dự án nuôi thồng thủy sản, sản xuất đồ gỗ, dịch vụ sản xuất nông nghiệp… thu hút đông đảo lao động, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo, giải quyết việc làm trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề dịch vụ… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2019, toàn huyện có 7.650 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 87 hộ đạt cấp Trung ương, 337 hộ đạt cấp tỉnh. Trong đó có nhiều mô hình mới làm ăn có hiệu quả, tiêu biểu như các ông: Nguyễn Văn Đưởng, xã Xuân Thủy nuôi gà siêu trứng; Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh nuôi cá trắm đen; Nguyễn Văn Trung, xã Xuân Ninh nuôi cá lăng; Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng nuôi lợn theo tiêu chuẩn VIETGAP; Mai Đình Năm, xã Xuân Bắc sản xuất đồ gỗ cao cấp; bà Đoàn Thị Nho, xã Xuân Tiến phát triển cơ khí nông nghiệp và may mặc xuất khẩu… Để hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong huyện đã triển khai thực hiện tốt nguồn vốn kênh 120 giải quyết việc làm với tổng số vốn 750 triệu đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh, huyện với tổng nguồn gần 2,4 tỷ đồng đã giúp các trang trại, hộ sản xuất quy mô lớn, phát triển ngành nghề và sản xuất hàng hoá như dệt chiếu, đồ gỗ, phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được nhiều việc làm cho nông dân các xã Xuân Ngọc, Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Ninh, Xuân Phú, Xuân Tân... Cùng với đó, từ năm 2019 đến nay, HND các xã, thị trấn đã vận động cán bộ, hội viên giúp 52 hộ vượt khó thoát nghèo bằng tiền, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong năm đã thành lập mới 4 mô hình tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản” tại các xã Xuân Vinh, Xuân Tân, Xuân Ninh, Xuân Thủy; 1 tổ hội nghề nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại xã Xuân Bắc với 15 thành viên tham gia; nâng tổng số tổ hợp tác trong toàn huyện là 6 mô hình với 56 thành viên, 4 tổ hội nghề nghiệp với 42 thành viên. Các mô hình hoạt động bước đầu có hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn đẩy mạnh các hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp cho nông dân; chú trọng tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên; hỗ trợ hội viên quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất, giảm chi phí và sức lao động; tích cực tham gia xây dựng “Cánh đồng lớn”. Năm 2019, toàn huyện có 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Cường Tân, Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Công ty TNHH VinECO) và 50 cá nhân tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 525ha để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Xuân Trường tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo. Xây dựng và nhân diện các mô hình trình diễn, liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể đạt kế hoạch và hiệu quả./.

Bài và ảnh: Lam Hồng