Những mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân Giao Thủy
Cập nhật lúc 7:11, ngày 27/10/2020 (GMT+7)
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề truyền thống, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

 
Mô hình sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống của gia đình anh Mai Văn Năng,
làng Sa Châu, xã Giao Châu.

Gia đình anh Mai Văn Năng, làng Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) đã có ba thế hệ làm nước mắm theo phương pháp truyền thống. Sau khi tiếp quản cơ ngơi của bố mẹ, vợ chồng anh Năng đã đầu tư xây dựng hệ thống bể ngâm ủ kiên cố, mua các loại máy móc như máy nghiền cá, tôm, máy hút… nhằm phát triển, mở rộng sản xuất. Để tạo ra loại nước mắm thơm ngon, có độ đạm cao, gia đình anh thường chọn nguyên liệu là mực, cá cơm than, tiếp đó đến cá cam, cá nục được đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Muối để trộn ủ nguyên liệu cũng phải là muối cũ được mua từ trước, tích trong kho để giảm độ chát. Cũng tại xã Giao Châu, ông Trần Minh Sơ, tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống với kinh nghiệm 35 năm làm nghề đã cùng các thành viên đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nước mắm của địa phương. Trung bình mỗi năm, gia đình ông sản xuất hơn 100 tấn nguyên liệu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tại xã Bạch Long, mô hình trang trại nuôi trồng thủy hải sản của ông Trần Đức Văn ở xóm Nam Hải nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 1995, trên khu vực trước đây là hồ chứa nước cho cánh đồng muối, ông đã bắt tay đào đắp, nâng đáy ao, làm đầm nuôi tôm rộng 3ha theo hướng quảng canh. Đến năm 2013, ông đầu tư kè bờ kiên cố, trải bạt lòng ao và hệ thống quạt sục khí chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao. Hiện tại, gia đình ông có 11 ao nuôi. Ngoài nuôi vạng bán giống, ông còn nuôi tôm, cá vược, thu về vài trăm triệu đồng/năm. Còn tại Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải, mô hình thu mua và chế biến thủy hải sản liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại đây đang tạo hàng nghìn công lao động cho bà con ngư dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương. Công ty đã ký hợp đồng liên kết với 35 ngư dân của 2 xã Giao Long, Giao Hải tổ chức thu mua và bao tiêu sản phẩm sau khi đánh bắt về; đồng thời còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho ngư dân khai thác không tiêu thụ hết, tránh tình trạng thương lái ép giá và nỗi lo “được mùa mất giá”. Sản phẩm chủ yếu của Công ty gồm chả cá, tép moi sấy khô, cá tẩm gia vị, tôm tươi bóc nõn… phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật. Trong đó, 2 sản phẩm chả cá, tép moi sấy khô được bình chọn là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Các sản phẩm của Công ty đều được công bố chất lượng, kiểm nghiệm thường xuyên, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì, gắn tem nhãn và truy xuất mã QRcode. Mô hình liên kết chuỗi đã nâng cao hiệu quả đánh bắt phục vụ chế biến; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa ở hầu hết các khâu sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để nhân rộng các mô hình  kinh tế hiệu quả, những năm qua, HND huyện Giao Thủy thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã phát động hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào xuất hiện nhiều gia đình hội viên điển hình như: Hộ ông Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến với mô hình sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong, ông Nguyễn Văn Thực, xã Giao Xuân với mô hình nuôi trồng thuỷ hải sản; ông Cao Văn Trường, xã Giao Lạc với mô hình nuôi ba ba và cá sấu; ông Nguyễn Hùng Vương, xã Giao Hải với mô hình chế biến thủy hải sản; ông Nguyễn Văn Cửu, xã Giao Xuân với mô hình nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; ông Đào Vương Quân, xã Bạch Long với mô hình sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản; ông Nguyễn Văn Chinh, xã Hồng Thuận với mô hình may công nghiệp; ông Vũ Xuân Nghinh, xã Giao Thanh với mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ… Những gương nông dân trên đã hình thành các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn, giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, HND các cấp trên địa bàn đã tích cực phối hợp, quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các dự án của Trung ương Hội, tỉnh Hội ủy thác, đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng” tại Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản, xã Bạch Long; nuôi cá nước ngọt tại Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Giao Hải… Các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT cũng phát huy hiệu quả, giúp hội viên phát triển được nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên về chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp gắn kết nông dân sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tuyên truyền vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn: baonamdinh.com.vn