Nâng cao nhận thức của nông dân về công tác An toàn thực phẩm góp phần thắng lợi trong xây dựng nông thôn mới và xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế ở tỉnh Nam Định
Cập nhật lúc 10:4, ngày 18/11/2019 (GMT+7)
Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí thì tiêu chí 15 về Y tế có nội dung về việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngay từ ngày thành lập (24/4/2009)
 

Hội nghị tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho hội viên, nông dân xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã xác định việc đảm bảo An toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, duy trì và phát triển nòi giống, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội... của tỉnh. Nam Định là tỉnh nông nghiệp, các sản phẩm từ nông thôn đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh và nhân dân. Chính vì vậy suốt 10 năm qua, nhiều hoạt động tuyên truyền được Chi cục phối hợp với Hội Nông dân tổ chức ở nhiều địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Một số nội dung chính được phổ biến qua các buổi tuyên truyền, tập huấn cho hội viên nông dân như sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, chăn nuôi lợn an toàn, mô hình sản xuất gắn chuỗi tiêu thụ sản phẩm; tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn; gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; vì sức khỏe người tiêu dùng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng; không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm; lựa chọn rau, thịt sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khỏe; chủ động phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và báo cho cơ quan chức năng ... dần xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn 2 chuồng” (nghĩa là lợn sạch, rau sạch thì để nhà ăn; còn lợn tăng trọng, rau phun thuốc thì đem chợ bán).

Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho hội viên nông dân tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; giúp các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến kỹ năng phân tích, cách phòng ngừa và khắc phục nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội viên nông dân là những người trực tiếp tham gia sản xuất các loại thực phẩm nông sản, vì vậy việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có ý rất nghĩa quan trọng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả.

Vấn đề vệ sinh ATTP luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, không những trong nước mà còn cả ở phạm vi quốc tế. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP và không tuân thủ đầy đủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; do sự nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2018 Việt Nam có 164.000 ca mắc mới và hơn 114.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong. Năm 2012 Việt Nam phát hiện khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Như vậy, trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới mỗi năm tăng 31%, trong đó thực phẩm bẩn đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây bệnh, chiếm tỷ lệ 35%. 

Năm 2019, Chi cục ATVSTP phối hợp với Hội Nông dân tổ chức 8 hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm và tuyên truyền an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức cho 520 cán bộ, hội viên nông dân các đơn vị Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh và Mỹ Lộc

Trong 2 năm 2018 và 2019, Chi cục triển khai mô hình “Kiểm soát An toàn thực phẩm bữa cỗ đông người” tại 5 xã huyện Mỹ Lộc. Thực tế phong tục cưới, hỏi được phổ biến, lưu truyền hàng nghìn đời nay ở mọi miền quê. Cùng với đó là phong tục tiễn biệt, tưởng nhớ những người quá cố của gia đình, dòng họ, người thân được tổ chức như là quy luật trong nhân dân. Song hành với việc tổ chức hiếu, hỉ là đi kèm một hoạt động gần như không thể thiếu đó là việc tổ chức ăn uống ở các quy mô khác nhau và các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tình hình ATTP tại các bữa cỗ, đám hiếu, hỉ đang diễn ra rất phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham dự do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Trong thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại các đám hiếu hỉ (đám ma, đám giỗ, đám cưới, đám cất nhà...) với hàng trăm người mắc và đi viện gây dư luận hoang mang trong cộng đồng.

Bảo đảm ATTP trong tổ chức bữa cỗ đông người các đám hiếu, hỉ là công việc đòi hỏi sự nỗ lực tham gia không chỉ của các ngành chức năng mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia chủ, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống và của cả thực khách tham gia. Thực hiện mô hình này, phần lớn gia chủ là nông dân đã được hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn, thực hiện vệ sinh khu vực nấu bếp và ăn uống, biết sử dụng găng tay một lần khi tiếp xúc với thức ăn chín, cách bảo quản thực phẩm…Trong năm 2018 và tính đến hết tháng 6/2019 đã tiến hành tư vấn, giám sát được cho tổng số 172 bữa cỗ chủ yếu là hộ nông dân ở 5 xã thuộc Mỹ Lộc (19.786 người ăn) và kết quả có tính khả quan, được chính quyền địa phương từ huyện, xã và cơ sở đánh giá cao. Trong thời gian triển khai mô hình, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Có thể nói, sự phối hợp hoạt động về An toàn thực phẩm giữa Hội Nông dân tỉnh Nam Định và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của nông dân về tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nông sản đảm bảo vệ sinh ATTP là bảo vệ sức khỏe, lợi ích cho bản thân và cộng đồng, góp phần giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm góp phần thắng lợi của Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định./.

Bs CKI Lê Lợi, Phó Chi cục trưởng

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định