Nâng cao kiến thức sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông dân
Cập nhật lúc 9:23, ngày 22/11/2019 (GMT+7)
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap, HACCP…).
 


Sản phẩm nông sản sấy sản xuất theo chuỗi liên kết của Công ty Minh Dương (thành phố Nam Định).

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, giao lưu với các nhà khoa học, doanh nghiệp để trao đổi thông tin. Phát hành tờ rơi, panô, áp phích giới thiệu về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết đến hội viên. Tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho nông dân về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tổ chức tập huấn kiến thức về chuỗi giá trị và mô hình liên kết sản xuất nông sản, thủy sản theo chuỗi giá trị cho hơn 50 đại biểu là hộ nông dân sản xuất giỏi, cán bộ hội cơ sở, các hội viên thuộc tổ hợp tác sản xuất tiên tiến của 5 huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực, thành phố Nam Định. Các cán bộ, hội viên đã được phổ biến kiến thức về sản xuất nông sản, thủy sản theo liên kết chuỗi; các chính sách mới của Nhà nước về xây dựng, phát triển liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa; chia sẻ về thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm của bản thân trong việc triển khai xây dựng liên kết sản xuất chuỗi tại địa phương và với doanh nghiệp. Trong tháng 9, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ban Kinh tế - Trung ương (Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho 100 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân cơ sở tham gia quản lý, điều hành tổ hợp tác; các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe các giảng viên của Trung ương Hội, của tỉnh giới thiệu những chuyên đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã góp phần thúc đẩy nông dân tham gia chuỗi giá trị nông sản; chuỗi thực phẩm an toàn và thiết lập liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp các học viên hiểu được vai trò và lợi ích khi tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, thu mua chế biến thành hàng hóa hoặc liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống, chưa có thói quen sản xuất theo chuỗi, việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp thiếu tính bền vững, nhiều hợp đồng bị phá vỡ nên chưa tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong khi đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng áp dụng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, Global GAP, Asean GAP, tiêu chuẩn Organic... ngày càng gia tăng đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết để thành lập các tổ chức hợp tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, ngày 6-8-2019, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu của nghị quyết nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông sản thực phẩm; chuyển dần từ phương thức sản xuất độc lập sang phương thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu 100% cán bộ, 90% hội viên nông dân được tuyên truyền về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. 100% hộ nông dân sản xuất nông sản ký cam kết đảm bảo sản xuất nông sản an toàn. 100% cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản an toàn. 100% các huyện, thành Hội phối hợp xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời liên kết tổ chức các điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân. 

Với các hoạt động thiết thực trên, các cấp Hội nông dân đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn: baonamdinh.com.vn