Nam Định: Hơn 2.000 tổ tự quản của nông dân làm đẹp đường thôn
Cập nhật lúc 8:47, ngày 31/03/2020 (GMT+7)
(Dân Việt) Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Trong đó, mô hình “Tổ tự quản đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp” do Hội ND phát động đã thu hút hàng trăm nghìn hội viên nông dân tham gia.

  Xây dựng mô hình điểm ở Vụ Bản

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: Đến nay trên địa bàn tỉnh có 100% số xã, huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh Nam Định là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, sớm hơn so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 1,5 năm.

 

Hội viên, nông dân xã Nam Thanh, huyện Nam Trực làm vệ sinh các trục đường nông thôn. Ảnh: N.T

Các tổ tự quản do Hội ND tỉnh Nam Định thành lập đã tổ chức được 14.700 cuộc tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm với trên 400.000 người tham gia. Các tổ đã nhận trách nhiệm tự quản các tuyến đường (chiếm 41% tổng số tuyến đường chính trong thôn xóm) tương ứng với 1.390km đường giao thông thôn xóm và liên xã.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Nam Định luôn xác định giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn theo hướng bền vững, đồng thời xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 có 70% số xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM nâng cao, 25% số xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, có 5 huyện tiêu chí huyện NTM nâng cao, huyện Hải Hậu trở thành huyện NTM kiểu mẫu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường  trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, UBND tỉnh phát động cuộc vận động ‘‘Xây dựng môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”.

Phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM, Hội ND tỉnh Nam Định đã phát động phong trào “Đường nông thôn tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp theo hướng hạ tầng giao thông nông thôn hiện đại, hoàn chỉnh về cảnh quan đường giao thông có hoa, có cây xanh, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và có nếp sống văn hóa mới.

Để triển khai có hiệu quả phong trào, Hội ND tỉnh đã chọn huyện Vụ Bản là mô hình điểm để chỉ đạo nhân ra diện. Trong đó điểm mấu chốt là thành lập các “Tổ tự quản đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”. Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội trong tỉnh quan tâm, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Bà Trần Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Vụ Bản cho biết: Đến nay, 100% các chi Hội ở thôn, xóm đã thành lập tổ tự quản, với trên 1.560 hội viên nông dân tham gia. Hàng tháng các tổ tự quản tổ chức dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh thoát nước ở khu dân cư vào ngày Chủ nhật cuối tháng, giữ cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Toàn huyện đã xây dựng được 313 tuyến đường treo biển nông dân tự quản bảo vệ môi trường, với tổng chiều dài 150km. Hội ND các xã Trung Thành, Hiển Khánh, Hợp Hưng đã vận động hội viên trồng và chăm sóc 4 tuyến đường cây xanh, với chiều dài 5.500m.

Ngoài ra, Hội ND huyện đã chỉ đạo Hội ND các xã Hiển Khánh, Trung Thành, Kim Thái duy trì mô hình trồng và chăm sóc tuyến đường cây; Hội ND xã Trung Thành duy trì mô hình câu lạc bộ “Nông dân vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe cộng đồng”; chọn Hội ND xã Đại An làm điểm về mô hình “An toàn giao thông” với tuyến đường do Hội ND tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Hơn 2.000 tổ tự quản đường nông thôn

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thành lập 2.019 tổ tự quản đường nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường do đồng chí Chi hội trưởng làm tổ trưởng chiếm 63% số chi hội nông dân (trung bình có 7 thành viên/tổ tự quản). Các tổ tự quản do Hội ND thành lập đã tổ chức được 14.700 cuộc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm với trên 400.000 người tham gia. Các tổ đã nhận trách nhiệm tự quản các tuyến đường (chiếm 41% tổng số tuyến đường chính trong thôn xóm) tương ứng với 1.390km đường giao thông thôn xóm và liên xã.

Để đảm bảo các tuyến đường đạt tiêu chí kiểu mẫu, các cấp Hội vận động hội viên nông dân đảm nhận việc trồng hoa, trồng cây xanh trên các tuyến đường. Nguồn kinh phí một phần xin hỗ trợ ngân sách, một phần vận động trong cán bộ, hội viên đóng góp. Đến nay, Hội ND đảm nhận trồng và chăm sóc trên 100km đường hoa, 170 tuyến đường mang tên hàng cây nông dân.

Ngoài việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho hơn 700.000 hộ nông dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh với dư nợ khoảng 403 tỷ đồng. Đến năm 2018 tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,78%, tăng 6,58% so với năm 2015; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 64,3%; trên 80% số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.

Thu Hà

Nguồn: http://danviet.vn/