Mỹ Lộc phát triển các mô hình liên kết sản xuất của nông dân
Cập nhật lúc 15:1, ngày 10/08/2021 (GMT+7)
Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh. Trong đó chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tạo điều kiện cho hội viên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 
Nông dân xã Mỹ Tân chăm sóc hoa cúc.

Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà với đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm đen, cá cảnh, cá truyền thống được thành lập nhằm liên kết, tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi. Trên cương vị tổ trưởng tổ hợp tác, anh Trần Văn Quyên cùng với 14 thành viên xây dựng quy chế hoạt động, cùng góp vốn, mua sắm tài sản chung, hỗ trợ nhau hoạch định sản xuất, kinh doanh, đưa hoạt động vào nền nếp, hiệu quả. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong được HND tỉnh hỗ trợ vay 250 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Các tổ viên cùng hỗ trợ nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương. Từ thực tiễn kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, các thành viên của tổ hợp tác đã hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật và tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho 21 hộ khác trong xã, giúp các hộ nuôi theo mô hình trang trại, gia trại có thêm kiến thức để phát triển kinh tế. Hàng năm tổ hợp tác có tổng sản lượng cá xuất bán ra thị trường đạt khoảng 170-200 tấn; tổng doanh thu khi chưa xuất hiện dịch COVID-19 khoảng 15-18 tỷ đồng; lợi nhuận thu về sau khi khấu hao chi phí đạt khoảng 7-9 tỷ đồng. Hoạt động của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong đã khẳng định vai trò của HND, nòng cốt là cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại xã Mỹ Tân, từ tháng 9-2018, HND tỉnh phối hợp với các đơn vị của Trung ương HND Việt Nam xây dựng, triển khai Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng hoa ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị”, giúp người dân từng bước tiếp thu những kỹ thuật trồng hoa mới. HND huyện Mỹ Lộc, xã Mỹ Tân đã lựa chọn 15 hộ tham gia mô hình Tổ hợp tác sản xuất trên quy mô 5ha với tinh thần tự nguyện, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm. Các thành viên trong tổ đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, hợp đồng hợp tác cũng như quy định mức đóng góp cho mỗi thành viên tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên trong tổ được trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra cho sản phẩm… HND xã đóng vai trò kết nối các thành viên trong tổ với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cập nhật các tài liệu, kiến thức kỹ thuật canh tác mới cho tất cả các thành viên trong Tổ hợp tác được thuận lợi, kịp thời. Theo đó, nông dân trong vùng trồng hoa đã biết tận dụng, khai thác lợi thế của vùng đất bãi phì nhiêu, màu mỡ, tập trung đầu tư và phát triển nghề trồng hoa ở vườn, ruộng và quanh vùng đất bãi, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Đến nay, huyện Mỹ Lộc có 2 tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản, 8 tổ hợp tác do HND thành lập và 16 HTX nông nghiệp. Đầu năm 2021, HND huyện đã thành lập mới Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp xã Mỹ Thịnh với 22 thành viên, trong đó có 6 hộ thuộc dự án nuôi trồng thủy sản được giải ngân vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. HND huyện đang chỉ đạo, hướng dẫn HND xã Mỹ Hưng thành lập 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Ngoài các mô hình tổ hợp tác, các cấp HND trong huyện còn vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị bền vững, hình thành các vùng cánh đồng lớn, chuyên canh, liên kết với các doanh nghiệp như: Vùng trồng lúa chất lượng cao Đài thơm 8, Bắc thơm 7 (diện tích 30ha) tại xã Mỹ Tiến liên kết tiêu thụ với Công ty Giống cây trồng Trung ương; mô hình liên kết giữa 2 hộ nông dân xã Mỹ Thắng với Công ty TNHH Toản Xuân để trồng, bao tiêu lúa Bắc Thơm trên diện tích 15ha. Nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới với việc tăng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả sản xuất. Toàn huyện đã có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VIETGAP gồm trứng gà Tamago của ông Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; cá trắm đen của hộ ông Trần Văn Hiền, xã Mỹ Thắng; ông Đặng Thế Chinh, xã Mỹ Hưng; ông Trần Văn Ấn, Trần Văn Quyên, Trần Công Vịnh (tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà); sản phẩm thịt lợn của ông Hà Danh Thảo, xã Mỹ Tiến; sản phẩm bưởi của ông Lê Văn Chiến, xã Mỹ Tiến. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định với các mô hình nuôi cá trắm đen, cá cảnh, cá diêu hồng, cá lăng; đã hình thành các vùng nuôi trồng tập trung ở các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Hưng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 839ha, sản lượng năm 2020 đạt 3.810 tấn. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá trắm đen, cá quả của anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà; mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; mô hình chăn nuôi lợn gia công của anh Vũ Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh; mô hình trồng hoa của anh Nguyễn Trọng Đại, xã Mỹ Tân… Đời sống của nông dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,38% năm 2020.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Mỹ Lộc tiếp tục quan tâm hỗ trợ hội viên duy trì, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, giúp hội viên chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho nông dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng 

Nguồn: baonamdinh.com.vn