Lựa chọn người tài đức - chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam
Cập nhật lúc 9:8, ngày 15/11/2019 (GMT+7)
Cứ đến dịp chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, các thế lực thù địch lại rêu rao, xuyên tạc rằng: Việc lựa chọn, bầu vào các vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước chỉ mang tính hình thức; chỉ người nhà các lãnh đạo mới được lựa chọn. Đại hội thực chất chỉ là việc củng cố, thâu tóm quyền lực của một số lãnh đạo... Đây là luận điệu xuyên tạc về công tác tổ chức cán bộ, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

 
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng người tài không đúng, công việc sẽ không chạy, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Trong ảnh: Bác Hồ trò chuyện với các trí thức / Ảnh tư liệu.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, thu hút và trọng dụng người tài đức trở thành quốc sách, thành đạo đức và thấm sâu vào quan niệm sống của nhân dân ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và thu hút người tài đức để xây dựng, kiến thiết đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển”. Trong tuyển chọn, bố trí cán bộ, Người nhấn mạnh, không được thiên tư, thiên vị, không phân biệt là người trong hay ngoài Đảng mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài, hết mình phấn đấu cho cách mạng. Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết chăm lo phát hiện người tài đức, phải biết đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng họ hợp lý và phải làm thường xuyên, liên tục, như: “Người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phê bình nghiêm khắc việc dùng cán bộ là người thân, anh em quen biết hay dùng những kẻ khéo nịnh dẫn đến hiện tượng ô dù, công thần, kéo bè cánh. Người yêu cầu phải tuyệt đối tránh hiện tượng địa phương cục bộ trong công tác cán bộ; phải xử lý nghiêm bệnh địa phương trong công tác này.

Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Không chỉ các hội nghị Trung ương, mà ngay trong văn kiện đại hội, Đảng ta đều thể hiện rõ những chủ trương, giải pháp quan tâm, chăm lo đến nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã khẳng định một chủ trương rất mới và tích cực trong việc lựa chọn, bố trí người tài, đức vào các vị trí lãnh đạo: “Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý”; Văn kiện Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Bộ Chính trị khóa XII cũng ban hành Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Bộ Chính trị về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật, kể cả đương chức hoặc đã nghỉ hưu theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ yếu kém, không đủ phẩm chất, năng lực, quan liêu, sách nhiễu nhân dân đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp của Đảng được thực hiện trên cơ sở phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu. Công tác nhân sự được thực hiện đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; cán bộ phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong công tác cán bộ thời gian qua. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng trên thực tế có nhiều cán bộ có đức, có tài, chưa được bổ nhiệm. Việc sắp xếp, bố trí giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc hoặc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người thân, họ hàng của lãnh đạo còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. 

Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến lược “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ. Cần xây dựng bộ khung tiêu chuẩn cho tất cả chức danh trong bộ máy hành chính Nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy. Trong đánh giá cán bộ, phải lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ làm thước đo chủ yếu. Cần tiếp tục thực hiện cơ chế thi tuyển các chức danh bổ nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và cạnh tranh lành mạnh, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng và nhân dân để lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực như “chạy chức”, “chạy quyền” hoặc hình thức, chiếu lệ trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải đúng nguyên tắc, dân chủ, minh bạch, công khai, công tâm, khách quan. Cần gắn kết chặt chẽ đào tạo với sử dụng đúng chuyên môn được đào tạo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng cán bộ, qua đó kịp thời xử lý tiêu cực, đồng thời phát hiện, thay thế cán bộ yếu kém bằng những người có đức, có tài, có đủ phẩm chất, năng lực./.

Theo Báo QĐND