Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ New Zealand
Cập nhật lúc 13:51, ngày 14/09/2018 (GMT+7)
Xã Hợp Hưng nằm ở phía Bắc huyện Vụ Bản. Tổng diện tích đất tự nhiên là 836,4 ha, trong đó diện tích đất canh tác 612,04 ha. Toàn xã có 14 thôn xóm với 1.835 hộ, có 6.682 nhân khẩu. Đây là xã thuần nông nằm xa khu trung tâm của huyện, ngành nghề dịch vụ chưa phát triển, nguồn thu chủ yếu trông vào cây lúa nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

 

Xuất phát từ điều kiện thực tế đó, Anh Triệu Đình Hợi là hội viên nông dân sinh sống trên địa bàn xã đã luôn trăn trở làm thế nào để thay đổi thực tế? để phát triển kinh tế của gia đình với phương châm “ly nông bất ly hương” nghĩ là làm. Với suy nghĩ đó cùng sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng uỷ, UBND, Hội Nông dân xã Hợp Hưng, gia đình anh Triệu Đình Hợi mạnh dạn nhận khoán diện tích đất công ích của xã là 16.380m2, với thời hạn 5 năm, gia đình anh đã đầu tư xây dựng 2.500 m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn nái ngoại, gà sạch thương phẩm. Năm 2011, gia đình anh nuôi 8.000 con gà công nghiệp sạch thương phẩm, cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, qua 3 năm đầu, mặc dù chăn nuôi phát triển tốt cho năng suất khá, song do đầu vào giá cả thức ăn chăn nuôi cao, đầu ra tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thị trường không ổn định, giá gà thịt, lợn hơi xuống thấp, hạch toán cân đối trừ chi phí, phần lãi thu về không đáng là bao.

Mô hình nuôi thỏ nhà anh Triệu Đình Hợi

Lại một lần nữa anh trăn trở để tìm hướng đi mới cho trang trại của gia đình mình khi mà mô hình chăn nuôi anh đang thực hiện không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh bắt đầu tìm kiếm thông tin trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác, qua đó anh biết được mô hình nuôi thỏ New Zealand là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, với tinh thần quyết tâm làm giàu anh quyết định lựa chọn mô hình nuôi thỏ New Zealand để thay đổi hướng đi.

Anh cho biết, trọng lượng thỏ New Zealand từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành đều cao hơn giống thỏ địa phương. Sau 3 tháng nuôi, thỏ có thể đạt trọng lượng bình quân từ 2,2-2,5 kg/con. Giống thỏ này có khả năng sinh sản khá cao, thỏ cái sau 5 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 7-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6-8 con.

Lựa chọn được con vật nuôi đã khó, tìm đầu ra cho con thỏ lại càng khó hơn, anh lăn lộn để tìm kiếm thị trường, qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, anh đã liên hệ được với Công ty NIPPON Zuki Nhật Bản và được biết Công ty đang có nhu cầu mua thỏ với mục đích dùng làm thí nghiệm để chế tạo Vacxin. Tuy nhiên, quy trình nuôi thỏ vô cùng chặt chẽ và phải tuân thủ tuyệt đối. Sau một thời gian ngắn học hỏi những kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi thỏ do công ty hướng dẫn, anh mạnh dạn ký kết hợp đồng với công ty bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Anh và gia đình đã tiến hành đầu tư kinh phí cải tạo lại toàn bộ chuồng trại, lồng, cũi. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, anh chỉ đầu tư mua 150 con thỏ bố, mẹ về nuôi. Được sự giúp đỡ của công ty cho đến thời điểm này anh đã nhân ra được trên 6.000 con thỏ, trong đó 800 con thỏ bố mẹ. Hàng tháng, xuất cho công ty từ 1.500 - 1.600 con thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2,2kg, giá 178 nghìn đồng/con và xuất bán ra thị trường tự do khoảng 200 con, số thỏ còn lại tách đàn theo thời gian sinh trưởng của từng lứa. Ngoài việc đầu tư vào mô hình chăn nuôi thỏ, gia đình anh cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất chuồng nuôi thỏ theo quy mô trang trại lớn phục vụ các hộ nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh. Hàng tháng, mô hình của gia đình anh cho thu nhập từ 95 - 100 triệu đồng.

     Chia sẻ với chúng tôi, anh Hợi cho biết: Qua mô hình nuôi thỏ, gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 8 lao động, với mức lương hàng tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã anh đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ với 10 thành viên tham gia để hỗ trợ nhau về con giống, đẩu ra sản phẩm và thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, phổ biến kiến thức mới về kỹ thuật nuôi thỏ cũng như những kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh về mô hình nuôi thỏ. Có được kết quả như ngày hôm nay ngoài sự nỗ lực của bản thân và gia đình, còn là sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Hợp Hưng; đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Nông dân các cấp để tổ hợp tác chăn nuôi thỏ được vay nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời thường xuyên tạo điều kiện để anh được tham gia các hội nghị, các diễn đàn lớn của TW, của tỉnh. Qua đó, anh có điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi những mô hình mới, những cách làm hay của những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ thành công với việc phát triển kinh tế, bản thân anh Hợi và gia đình luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thường xuyên tham gia các phong trào của Hội cũng như của địa phương. Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân năm 2017, anh là đại biểu đi dự hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V và vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

                                                                                  Hoàng Thị Thanh

                                                              Phó Chủ tịch HND huyện Vụ Bản