Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020
Cập nhật lúc 8:31, ngày 11/09/2019 (GMT+7)
Ngày 6-9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Tới dự hội nghị có các đồng chí: Ðoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; các đồng chí: Ủy viên Ba
 

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Việt Thắng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 30-40% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, triển khai toàn diện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định đây là một định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”. Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do thiên tai, ngân sách tỉnh thấp... song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; các địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo nên Chương trình đã đạt những thành tựu đáng khích lệ. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hai nhiệm kỳ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch cơ chế chính sách để tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phong trào "chung sức xây dựng nông thôn mới" được các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả tốt.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Văn Đại

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nông thôn Nam Ðịnh đã có sự khởi sắc rõ nét. Ðến tháng 7-2019 có 100% xã, thị trấn (bình quân mỗi xã tăng 13 tiêu chí so với năm 2010), 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra. Đến tháng 6-2019, tỉnh đã ưu tiên cân đối cấp kinh phí hỗ trợ và thưởng cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là 2.076 tỷ đồng, là một trong những địa phương có mức hỗ trợ và thưởng cao từ ngân sách địa phương xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 22 nghìn tỷ đồng. Ðến 31-12-2018 toàn tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong tỉnh đã góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi,... Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 75,6 triệu đồng năm 2010 lên 129,5 triệu đồng năm 2015 và 145,2 triệu đồng năm 2018. Ðã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất, hoàn thiện nhãn hiệu sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 150 sản phẩm nông nghiệp... Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến nay giảm còn dưới 2%. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần. Trên địa bàn nông thôn có hơn 5.000 doanh nghiệp (tăng hơn 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010), giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn lao động; có 130 làng nghề (tăng 51 làng nghề so với năm 2010) với hơn 52 nghìn hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Qua khảo sát lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với 96,86% số dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Cờ của UBND tỉnh cho lãnh đạo huyện Hải Hậu và Trực Ninh là những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ảnh
Văn Đại

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực từ coi trọng sản lượng sang chất lượng nông sản, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang tiêu dùng kết hợp sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng theo chuỗi đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, có hiệu quả cao hơn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần tích cực tạo thêm nhiều sinh kế mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp, đồng thời làm tiền đề cho việc tập trung tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao,... tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện; chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày một tốt hơn. Môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp với các mô hình như: “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường, cộng đồng trực tiếp quản lý. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được quan tâm. Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng Cờ thi đua của tỉnh cho 10 xã, thị trấn dẫn đầu phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. ẢnhViệt Thắng

Về định hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia trách nhiệm của người dân. Gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương, các ngành, các lĩnh vực. Xây dựng nông thôn mới Nam Ðịnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, kết nối đồng bộ với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, giàu bản sắc, quan hệ cộng đồng gắn bó. Người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, thôn; huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Ðến năm 2025, toàn tỉnh có trên 70% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau khi toàn tỉnh đã về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trong tỉnh đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 xã, thị trấn đề nghị thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 11 xã đăng ký xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hải Hậu đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu "sáng - xanh - sạch - đẹp" bền vững. Từ kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần quan trọng để tỉnh ta thực hiện và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua hơn 9 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa cao; công nghiệp chế biến, thương mại - dịch vụ ở khu vực nông thôn phát triển chưa đồng đều; giá trị kim ngạch xuất khẩu còn thấp... Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định nông nghiệp - nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, các tiêu chí nông thôn mới phải không ngừng được củng cố, nâng cao để đảm bảo tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu "sáng - xanh - sạch - đẹp" bền vững ở huyện Hải Hậu; thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị thông minh về không gian kinh tế, văn hóa kết nối du lịch, dịch vụ - thương mại đảm bảo đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, góp phần xây dựng tỉnh ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn Nam Định là những miền quê đáng sống, yên bình. Làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung khắc phục, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; chuẩn bị thật tốt các điều kiện để phục vụ tổ chức thành công hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức tại Nam Định trong thời gian tới.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta trong thời gian qua có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành Trung ương; cùng với sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể; sự ủng hộ của các doanh nghiệp, con em quê hương Nam Định và đặc biệt là sự đồng thuận ủng hộ, tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm nỗ lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc, là nền tảng quan trọng, vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong thời gian tới. Phát huy kết quả, tinh thần, khí thế đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; phấn đấu xây dựng thành công và nhân rộng các mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để góp sức xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình không có điểm dừng, tỉnh Nam Định mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hơn nữa của Trung ương Đảng; Chính phủ; Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương; các bộ, ngành Trung ương về mọi mặt để tỉnh Nam Định hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện các hợp tác xã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. ẢnhVăn Đại

Ghi nhận những thành tích, đóng góp của các tập thể, cá nhân, đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh đã quyết định tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" cho 12 tập thể; tặng Bằng khen cho 49 tập thể và 30 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020; tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có đóng góp lớn ủng hộ cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 7 gia đình, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014-2019./.

                                                       Thành Trung

Nguồn: baonamdinh.com.vn