Hội Nông dân Hải Hậu hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất
Cập nhật lúc 9:43, ngày 05/03/2019 (GMT+7)
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau màu kết hợp nuôi thủy sản của bà Nguyễn Thị Hải, hội viên nông dân xóm Xuân Phong, xã Hải Hòa (Hải Hậu) vào một ngày đầu năm 2019, Bà Hải cũng là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương...

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hải, xóm Xuân Phong, xã Hải Hòa trồng rau màu kết hợp

 

nuôi thủy sản cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

 Từ một người lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhờ được tiếp cận với các nguồn vốn vay và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bà đã phát triển mô hình trồng cây, trồng rau màu kết hợp nuôi thủy sản thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nói chuyện với chúng tôi, bà Hải cho biết, hàng năm, bà luôn được Hội Nông dân huyện, xã mời tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ vậy đã có thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng, tay nghề để trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Hàng năm, gia đình bà trồng hơn 3 sào rau màu. Nhờ áp dụng luân canh gối vụ (vụ đông trồng cà chua, rau màu; vụ xuân trồng hành củ, rau màu; vụ hè trồng dưa lê…) nên luôn mang lại hiệu quả thu nhập cao cho gia đình. Bên cạnh đó, bà còn nuôi 2 sào cá trắm, cá chép, mỗi năm thu hoạch 3-4 tấn cá truyền thống. Theo ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu, xác định hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, do vậy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” đã được các cơ sở Hội tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến từng hội viên. Ban chấp hành Hội Nông dân huyện đề ra nhiều giải pháp thiết thực như hỗ trợ vốn vay, cung ứng vật tư, phân bón trả chậm, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao đời sống của người nông dân. Theo đó, năm 2018, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện có 15.136 hộ (đạt 123,7% chỉ tiêu tỉnh giao), chiếm 24,7% so với hộ nông dân toàn huyện. Trong đó cấp Trung ương 246 hộ, cấp tỉnh 2.052 hộ, cấp huyện 3.918 hộ, cấp cơ sở 8.920 hộ. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Luật, hội viên nông dân xã Hải Đông phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp; hộ ông Nguyễn Văn Công, hội viên nông dân xã Hải Xuân phát triển mô hình chăn nuôi gà lấy trứng sạch; hộ ông Phạm Văn Lành, hội viên nông dân xã Hải Toàn chuyên thu mua, sơ chế sản phẩm đinh lăng để cung cấp cho Công ty Dược phẩm Traphaco… Để đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn chủ động phối hợp với các cơ quan khoa học, các phòng, ban, trạm, trại, các công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển ngành nghề. Bình quân mỗi năm tổ chức trên 210 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 36 nghìn lượt hội viên nông dân. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật phòng và trị bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác nuôi trồng thuỷ sản… áp dụng vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ xây dựng và tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân, 35/35 cơ sở Hội đã thành lập Ban Vận động xây dựng quỹ. Đến nay tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện là 1.271 triệu đồng, tăng 551,5 triệu đồng so với năm 2012. Trong đó nguồn quỹ của cơ sở là 998,8 triệu đồng, nguồn quỹ của huyện là 170 triệu đồng cho 144 hộ vay phát triển mô hình sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn quản lý và điều hành nguồn vốn vay ủy thác Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 2,6 tỷ đồng, cho 65 thành viên của 5 tổ hợp tác vay vốn phát triển mô hình sản xuất. Các cấp Hội tổ chức tốt hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Năm 2018, dư nợ cho vay là 171,154 tỷ đồng, cho 8.329 hộ vay thông qua 244 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 31,422 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc khai thác, quản lý sử dụng vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình cho vay, chất lượng tín dụng, góp phần thiết thực vào việc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn. Phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện tín chấp cho 13.374 hội viên nông dân vay vốn thông qua 549 tổ vay vốn, với tổng số tiền là 1.813,1 tỷ đồng, tăng 1.296 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, góp phần đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. 

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, các mô hình trong nông nghiệp, nông thôn; ban hành kế hoạch về xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2016-2020; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới cho gần 100 người; tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 50 cán bộ, hội viên; cử 150 lượt người dự các lớp tập huấn về mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân tỉnh tổ chức; trực tiếp vận động và hướng dẫn thành lập 10 tổ hợp tác (2 tổ hợp tác trồng cây dược liệu tại xã Hải An, Hải Toàn; 4 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Hải Châu, Hải Hòa, Hải Phúc; 1 tổ hợp tác trồng hoa cây cảnh tại Hải Xuân; 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại Hải Hòa, 1 tổ hợp tác dệt lưới cước tại Hải Lộc). Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên tham gia thành lập và ủng hộ hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, toàn huyện đã có 44 hợp tác xã và 15 tổ hợp tác được thành lập và đi vào hoạt động. Bước đầu thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân với nhau để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá, tạo ra vùng sản xuất tập trung.

Từ các phong trào của Hội, hội viên nông dân đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn