Hiệu quả từ mô hình nuôi chạch sụn
Cập nhật lúc 8:45, ngày 01/04/2021 (GMT+7)
Xuất thân từ một gia đình nông dân chuyên canh lúa, hội viên nông dân Tô Văn Mạnh ở chi hội 6 xã Yên Phương luôn trăn trở làm sao để thoát được nghèo. Năm 2012 xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh Mạnh đã bàn bạc với gia đình nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sử dụng, đào ao thả cá.

 
Mô hình nuôi chạch sụn gia đình hội viên Tô Văn Mạnh

Cùng với hơn 1 mẫu đất của gia đình mình, anh còn nhận đấu thầu thêm 5 mẫu từ đất 5% của xã để phát triển sản xuất. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho gia đình anh hoàn thiện thu tục vay 300 triệu đồng, cùng với số vốn của gia đình mình, anh Mạnh đã mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá truyền thống như cá trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi… nuôi lợn và trồng cây rau màu các loại. Sau 2 năm lấy ngắn nuôi dài, kinh tế đã dần ổn định, năm 2014 anh đã xin nhận thầu thêm 9 mẫu là những diện tích đất thùng, hoang hóa để mở rộng mô hình và đầu tư đào thêm ao thả cá, trồng cây ăn quả, rau, màu, mía đỏ và chăn nuôi theo mô hình khép kín. Mô hình của gia đình anh bước đầu mang lại hiệu quả, cho thu nhập ổn định và đã có lãi.

Không dừng lại ở đó, năm 2018 sau khi đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi thủy sản ở trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy tại thời điểm đó thị trường đang rất ưa chuộng con nuôi Chạch Sụn, đầu ra ổn định. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ao nhỏ với diện tích 1.500 m2 từ nuôi cá truyền thống sang nuôi Chạch Sụn. Sau 4 tháng gia đình anh đã xuất bán được 550 kg cá Chạch Sụn với giá 75.000 đồng/kg và thu về trên 40 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi trừ chi phí thì hiệu quả chưa cao do chi phí mua con giống và thức ăn còn cao. Suy nghĩ phải làm sao tự sản xuất ra con giống để giảm chi phí đầu vào? Năm 2019 anh đã lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi, tìm hiểu các tài liệu hướng dẫn nuôi chạch sụn sinh sản, cách ương từ trứng thành chạch bột, chạch hương…có được kiến thức về sản xuất Chạnh giống, anh đã thiết kế khu nuôi chạch giống, đồng thời mở rộng diện tích nuôi chạch thương phẩm ra 3 ao nữa. Sau 6 tháng vừa học, vừa làm anh đã thành công trong việc tạo ra chạch giống từ những cặp chạch bố, mẹ ban đầu. Do chủ động sản xuất được nguồn con giống, năm 2020 anh đã mở rộng ra toàn bộ diện tích các ao nuôi, để nuôi chạch bố mẹ, chạch bột, chạch hương và chạch thương phẩm. Từ đầu năm đến nay gia đình anh đã xuất bán được 48 tấn chạch thương phẩm với giá 60.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trên 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ với chúng tôi anh Mạnh bộc bạch tâm sự: “Có được thành công như hôm nay một phần nhờ vào đường lối đổi mới của Đảng, sự ủng hộ của chính quyền đã cho phép gia đình tôi đấu thầu được diện tích lớn như hiện nay, Hội Nông dân xã đã tư vấn cho gia đình chuyển đổi con nuôi, giúp cho gia đình tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay và hơn thế nữa là sự quyết tâm của gia đình tôi với suy nghĩ không cam chịu đói nghèo, sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, người thân mới có được thành công như ngày hôm nay…”. Tuy nhiên để mô hình của Anh tiếp tục mang lại hiệu quả anh cũng mong muốn “do chi phí thức ăn cho chạch là rất lớn, với diện tích ao nuôi như gia đình anh thì mỗi ngày cần trên 800 kg thức ăn mà vốn chưa đủ để mua trực tiếp từ nhà máy, nếu mua từ nhà máy thì mỗi tháng giảm được hơn 4 triệu đồng. Vì vậy gia đình mong muốn Hội Nông dân các cấp và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với định mức cao hơn để gia đình anh có thể mua được thức ăn tại nhà máy, quá trình sản xuất kinh doanh của gia đình anh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là hội viên gương mẫu, tiêu biểu trong các phong trào thi đua của Hội, của địa phương. Anh luôn tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo và chia sẻ kinh nghiệm nuôi chạch sụn cho một số hộ dân trong thôn và các vùng lân cận bước đầu đã mang lại hiệu quả. Anh vinh dự là một trong những đại biểu được Hội Nông dân xã chọn cử đi dự “Hội nghị điển hình tiên tiến và tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2015-2020”  huyện Ý Yên./.

 Đinh Văn Thuấn

Chủ tịch HND xã Yên Phương