Dự án hiệu quả, hội viên thoát nghèo, nông dân tin
Cập nhật lúc 8:52, ngày 03/06/2016 (GMT+7)

 Cùng với triển khai các giải pháp về tổ chức và hoạt động, Quỹ HTND Cà Mau từ tỉnh đến huyện đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy địa phương thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn; coi trọng công tác tuyên truyền; công tác phối hợp thống nhất ở từng địa phương đã tạo sự đồng thuận của cán bộ, hội viên (ND). Nhờ đó nhiều mô hình, dự án hỗ trợ nông dân đem lại hiệu quả, tạo được lòng tin của ND vào quỹ, đây là bước khởi đầu để Cà Mau đổi mới, thể hiện vai trò, trách nhiệm trước ND.

Bước đột phá

Trước năm 2013, công tác xây dựng Quỹ HTND còn là một bài toán khó, nhiều dự án đầu tư đến hạn khó thu hồi. Trăn trở, băn khoăn, Cà Mau đã tìm lời giải, đó là phần lớn cơ sở Hội mới chỉ dừng lại tại công đoạn học tập, đa số cán bộ, hội viên, ND chưa thông… thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Hội thiếu điểm tựa để huy động nguồn vốn HTND sản xuất theo các mô hình, dự án… do dân chưa tin – Điểm nghẽn chưa được tháo gỡ.

Hiểu đúng, làm trúng, mới “nâng cao vai trò của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM”. Trong 2 năm (2013-2014), Cà Mau tập trung quán triệt chủ trương cho gần 2 ngàn cán bộ chủ chốt về đề án xây dựng Quỹ HTND; hiện nay có 9 huyện, thành phố thành lập được Ban vận động, thành lập 100 tổ vận động cấp xã, mở 18 lớp tập huấn nghiệp vụ quả lý vốn, quả lý dự án cho gần 2 ngàn cán bộ Hội cơ sở; 100 xã, phường, thị trấn thống nhất vận động hội viên đóng góp 5.000đồng/tháng/hội viên; BCH từ tỉnh tới cơ sở hàng năm ký giao ước thi đua về tăng trưởng vốn; đến cuối năm 2015, Quỹ HTND Cà Mau có 11,085 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương có 6,135 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng; 8/9 huyện, thành phố được ngân sách hỗ trợ 1,250 tỷ đồng; hội viên đóng góp 1,7 tỷ đồng.

Cơ sở Hội tích cực, chủ động tạo nhiều kênh vốn HTND nghèo, Hội đã tập trung các giải pháp nâng cao trách nhiệm thực hiện hợp đồng ủy thác nguồn vốn với các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương, 776 tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, 34.143 hộ nghèo vay vốn theo dự án đã tác động đến tính tự giác phát huy nguồn lực của cộng đồng, của hộ thành viên; năm 2015, nhiều dự án về đích, công tác thu hồi vốn vay đến hạn có sự chuyển biến, nợ quá hạn chỉ còn 1,1%, đây cũng là tỷ lệ nợ thấp nhất so với các năm trước.

Hộ nghèo tham gia dự án thông qua mô hình sản xuất cụ thể, với cách làm “cầm tay, chỉ viêc” hội viên dễ làm, dễ học, Hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc tính tự giác thoát nghèo của ND khi tham gia mô hình dự án được nâng cao.


Ảnh: nguồn Internet

Dự án tốt dân tin

Hỗ trợ hội viên sản xuất theo mô hình nông sản hàng hóa, năm 2014-2015, dự án đã hỗ trợ vốn đúng, đủ, kịp thời, nhiều hội viên tham gia dự án sản xuất đem lại hiệu quả cao. Dự án được dân tin. Điển hình có 22 dự án (nguồn vốn Trung ương) với 433 hộ hội viên sản xuất theo mô hình, thì 95% hội viên có việc làm ổn định; sau khi kết thúc dự án, có trên 90% số hộ có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, 15 hộ thoát nghèo. Hội đã thành lập 45 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã. Cán bộ Hội “nói đi đôi với làm”, tuyên truyền vận động ND thực hiện mô hình sản xuất theo phương pháp “mắt thấy, tai nghe” đã tạo được chữ “tín” trong dân.

Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi – Nguyễn Văn Út cho biết thêm: “Khi mới thành lập, tổ có 32 hộ, Quỹ HTND đã hỗ trợ cho hội viên 2 chu kỳ trên 900 triệu đồng thực hiện Dự án nuôi tôm dùng chế phẩm sinh học. Đến nay đã có 121 tổ viên, nuôi tôm trên diện tích 70ha, với 208 mặt ao nuôi. Nhờ vốn vay, Tổ hợp tác chúng tôi đã liên kết được với nhà khoa học, doanh nghiệp tạo cho ND có đủ điều kiện và khả năng làm giàu từ nghề nuôi tôm công nghiệp”.

Bà Trần Hồng Đỏ, Giám đốc Trung tâm HTND tỉnh Cà Mau cho biết: “Ở địa bàn có dự án, Trung tâm liên kết tổ chức dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cua, kỹ thuật trồng giống lúa mới, trồng rau, màu, trồng chuối, trồng dưa hấu. Hội viên tham gia không chỉ có vốn, mà tay nghề, trình độ lao động cũng được nâng lên”.

Nhiều dự án đã góp phần hỗ trợ các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng sản xuất tập trung, có quy mô 15 đến 150ha như: Trồng chuối xiêm xã Trần Hợi; nuôi cá bổi xã Khánh Bình; nuôi cá trê xã Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời); ương gièo cua giống xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn)… trồng rau màu ấp Tabasa2 (xã Tân Phú, huyện Thới Bình); trồng dưa hấu xã Lý Văn Lâm; nuôi tôm quảng canh cải tiến ấp Cái Ngang xã Định Bình (thành phố Cà Mau); dự án lúa – tôm kết hợp với chăn nuôi ở ấp 4 (xã Khánh Hòa, huyện U Minh); nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học (ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi)… Với mô hình cụ thể, hộ ND đã biết “trồng cây gì, nuôi con gì”, để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, mở ra hướng đi mới, tư duy mới của người nông dân trong thời hội nhập.

Ông Ngô Minh Chiến, Chủ tịch HND tỉnh Cà Mau khẳng định: “Việc chỉ đạo xây dựng Đề án Quỹ HTND, giúp hội viên sản xuất theo mô hình phát triển kinh tế, gắn với thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề đã có tác động tốt trong toàn tỉnh, được hội viên đồng thuận cao”.

                              (Nguồn: Nông thôn mới sô 411, kỳ 2 tháng 3.2016)

                                                              Ảnh: Internet