Đoàn kết, thống nhất - bài học vô giá từ buổi đầu dựng Đảng
Cập nhật lúc 8:19, ngày 03/02/2020 (GMT+7)
Đảng ta ra đời đầu năm Canh Ngọ 1930, đến nay đã 90 mùa xuân...

 

Trong bài báo này, tôi xin dẫn lại một số câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nói lên tư tưởng lớn của Người về giá trị của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, và rộng hơn là đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế với anh em, bè bạn khắp năm châu. Với Bác, đoàn kết thống nhất không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là lực lượng vật chất to lớn.

Về đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Nói về ngày thành lập Đảng ta, Bác Hồ, với bút danh Trần Thắng Lợi, trong bài báo Đảng ta viết năm 1949, kể lại: “Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.

Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn". Ảnh: LÂM HỒNG LONG

Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng mong muốn gần nhau, lại càng xa nhau.

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng…

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.

Thế là Đảng ta chân chính thành lập”.

Trong bài báo, Bác còn viết: “Sự thống nhất làm cho đảng viên và quần chúng cả nước rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo”.

Vậy là, ngay từ buổi đầu dựng Đảng, bài học về đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hết sức coi trọng.

Năm 1947, với tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, một tác phẩm có giá trị sâu sắc, lâu dài về xây dựng Đảng, Bác nghiêm khắc phê bình bệnh hẹp hòi, tức là khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng.

Bác viết: “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”.

Năm 1969, Bác về với thế giới người hiền và để lại bản Di chúc bất hủ, trong đó Người nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng-Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Về đoàn kết toàn dân tộc

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã tổ chức các đoàn thể công, nông, thanh, phụ nhằm động viên mọi lực lượng của nhân dân tham gia và ủng hộ cách mạng.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, bao gồm không chỉ các đoàn thể công, nông, thanh, phụ, mà còn có cả giới trí thức và các tổ chức dân tộc, tôn giáo. Các đảng Dân chủ và Xã hội cũng đứng trong hàng ngũ cách mạng.

Trên báo Việt Nam độc lập của Việt Minh, Bác viết bài thơ:

“Việt Nam độc lập" thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác ra lời kêu gọi:

“Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Cuộc kháng chiến càng tiến lên, mặt trận đoàn kết của nhân dân càng phát triển mạnh. Tháng 3-1951, trong lời khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Bác Hồ nói: “Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng… Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta sẽ vượt qua hết thảy mọi khó khăn, gian khổ, chúng ta sẽ đánh tan tất cả mọi kẻ thù đế quốc thực dân”.

Tháng 4-1961, Mặt trận Tổ quốc Đại hội lần thứ hai. Nói chuyện thân mật tại đại hội, Bác Hồ khẳng định: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng”. Người kết luận buổi nói chuyện bằng một câu bất hủ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Về đoàn kết quốc tế

Năm 1951, tại Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, trong lời khai mạc, chào mừng các đại biểu về dự đại hội, Bác Hồ nói:

“Tôi sung sướng hơn nữa vì từ nay chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cùng đi đến đại đoàn kết. Tin mừng đại đoàn kết của hai dân tộc anh em ấy do các vị đại biểu Miên, Lào thân hành mang đến cho chúng ta.

Thế là dân tộc Việt đại đoàn kết, dân tộc Miên đại đoàn kết, dân tộc Lào đại đoàn kết. Rồi đây, chúng ta nhất định đi đến Việt-Miên-Lào đại đoàn kết”.

Sinh thời, Bác đã đi thăm nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em và tiếp đại biểu của nhiều đảng cộng sản cầm quyền và chưa cầm quyền đến thăm Việt Nam. Chào mừng đại biểu các đảng cộng sản và công nhân đến dự Đại hội III của Đảng ta (năm 1960), Bác có câu thơ:“Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Năm 1969, trong Di chúc để lại, Bác viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Đoàn kết với các nước độc lập dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc là phương hướng chiến lược của Đảng ta mà Bác Hồ là người tiêu biểu nhất.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới chia làm hai phe: Phe tư bản đế quốc và phe xã hội chủ nghĩa; “đứng giữa” là phong trào độc lập dân tộc, nói rộng ra là phong trào không liên kết. Việt Nam vừa đứng trong phe xã hội chủ nghĩa, vừa là chiến sĩ tiên phong của phong trào độc lập dân tộc, thành viên chủ chốt của lực lượng không liên kết. Việt Nam kiên quyết chống lại các thế lực đế quốc, thực dân, nhưng vẫn coi nhân dân các nước đó là bầu bạn.

Thực tế đó đã cho thấy, vì sao Việt Nam lại có tình đoàn kết quốc tế nồng nàn đến như vậy!

HÀ ĐĂNG

Nguồn: baomoi.com