Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi cho hội viên, nông dân
Cập nhật lúc 10:59, ngày 28/03/2019 (GMT+7)
Hiện nay, trên cả nước đã có 21 tỉnh, thành phố phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tại Nam Định, theo thông tin từ Cục thú ý, Dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện tại một hộ chăn muôi ở xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh.

 

Tập huấn Dịch tả lợn Châu Phi cho hội viên, nông dân huyện Vụ Bản

Đến nay, Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại xã Trực Thuận huyện Trực Ninh và xã Hải Phương huyện Hải Hậu. Tổng số lợn phải tiêu hủy đến ngày 22/3/2019 là 193 con. Trước sự nguy hiểm của Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng, việc đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân hiểu về dịch bệnh, tránh hoang mang có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 05 lớp tập huấn phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi cho gần 700 hội viên, nông dân huyện Nam Trực, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Ý Yên.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp những kiến thức về công tác thú y, công tác phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn như: Đặc điểm của bệnh (lịch sử bệnh, dịch tễ, tác nhân gây bệnh, quá trình gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích); quản lý chăn nuôi; giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời; cách vệ sinh, tiêu độc khử trùng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.


Tập huấn Dịch tả lợn Châu Phi cho hội viên, nông dân huyện Mỹ Lộc

Đồng thời, các giảng viên nhấn mạnh: bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không gây bệnh cho người và các động vật khác. Để hạn chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan trên địa bàn, cùng các giải pháp quyết liệt của các cấp, các ngành, người chăn nuôi, hội viên nông dân cần chấp hành thực hiện nghiêm cam kết “5 không” (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) trong công tác phòng chống bệnh. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên và định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chăn nuôi, điểm giết mổ, sơ chế, chế biến động vật ở dạng tươi sống. Mua động vật, sản phẩm động vật phải có nguồn gốc rõ ràng; không mua con giống trôi nổi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Sau buổi tập huấn, các học viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, tham gia tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi, người dân về mức độ nguy hiểm, những thông tin nhận biết về bệnh, để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, quyết tâm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lan rộng trên địa bàn./.

Thu Nga

Ban Tuyên huấn