Công tác chỉ đạo xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp huyện Giao Thủy
Cập nhật lúc 17:3, ngày 02/11/2017 (GMT+7)
Thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, kế hoạch số 101 -KH/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động các cơ sở phát triển Chi, Tổ hội nghề nghiệp

Thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, kế hoạch số 101 -KH/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động các cơ sở phát triển Chi, Tổ hội nghề nghiệp, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai tới 22 cơ sở Hội. Hội nông dân huyện đã tiến hành khảo sát thực trạng tình hình về nghề nghiệp ở cơ sở, nhất là làng nghề truyền thống, hộ nuôi trồng thủy hải sản, khai thác hải sản xa bờ… Sau khảo sát, Ban thường vụ Hội Nông dân huyện chỉ đạo, từng bước hoàn thiện các thủ tục, tiến hành vận động hội viên tham gia Tổ hội nghề nghiệp gắn với Tổ hợp tác.


Ảnh nguồn internet

Đầu năm 2017, Hội Nông dân huyện đã chọn và chỉ đạo Hội Nông dân xã Bạch Long ra mắt mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy hải sản thuộc Chi hội Liên Hoan (Đơn vị điểm). Sau đó chỉ đạo nhận diện, đến nay đã tiến hành thành lập ra mắt 02 Tổ hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác đó là: Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy hải sản thuộc Chi hội xóm 28 - Hội Nông dân xã Giao Thiện và Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy hải sản thuộc Chi hội tổ dân phố Bình Trung - Hội Nông dân thị trấn Quất Lâm. Tổng số thành viên tham gia các Tổ hội nghề nghiệp là 63. Tổ hội nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân xã Giao Thiện và thị trấn Quất Lâm đã phối hợp chặt chẽ với đồn biên phòng Ba Lạt và đồn biên phòng Quất Lâm xây dựng kế hoạch, quy chế thực hiện vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa gắn với bảo vệ an ninh biên giới tuyến biển.

Các Tổ hội nghề nghiệp xây dựng quy chế hoạt động sinh hoạt 1 tháng/ lần theo đặc điểm tình hình của từng Tổ nghề nghiệp, xây dựng mức đóng quỹ hội 500.000đ/thành viên/tháng. Đến nay Tổ hội nghề nghiệp của xã Bạch Long đã đóng quỹ hội được 2,5 triệu đồng/hội viên, các Tổ hội còn lại do thành lập sau cũng đã đóng góp được 1,5 triệu đồng/hội viên. Đến nay 3 Tổ hội đã đóng góp quỹ được 178.000.000đ bình xét cho 8 thành viên vay. Do nhu cầu nghề nghiệp cần nhiều vốn trong sản xuất cho nên quy định của các Tổ hội phấn đấu đạt 22 triệu đồng/hội viên để giúp nhau trong sản xuất. Sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đã là một chất keo gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên. Hiện nay các Tổ hội nghề nghiệp đã đi vào sinh hoạt nề nếp, nôi dung sinh hoạt phong phú, đa dạng tùy theo tình hình thực tế công việc sản xuất, nhiệm vụ của Tổ hội. Tổ hội nghề nghiệp xã Bạch Long đã chủ động mời chuyên gia nuôi trồng thủy hải sản về để phổ biến, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy hải sản, tổ chức tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổ hội nghề nghiệp xã Giao Thiện đã phối hợp với đồn Biên phòng tổ chức quán triệt Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển. Tổ hội nghề nghiệp của thị trấn Quất Lâm đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Quất Lâm đảm bảo thông tin liên lạc trong các chuyến ra khơi, công tác hậu cần trên biển và biện pháp hạn chế những rủi ro khi gặp gió to, sóng dữ.

Bước đầu có thể khẳng định: Chủ trương thành lập Chi, Tổ hội nghề nghiệp của trung ương Hội là phù hợp với tình hình thực tiễn ở các vùng nông thôn hiện nay, nhất là các xã ven biển trong nền kinh tế thị trường, tạo sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tình người, tình làng nghĩa xóm được gắn bó chặt chẽ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, tạo tiền đề cho quá trình hình thành hợp tác xã kiểu mới, thích ứng với nền kinh tế thời kỳ hội nhập. Vai trò của tổ chức Hội được khẳng định và trở thành bà đỡ của nông dân trong  sự hình thành và phát triển kinh tế tập thể, trang trại ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế vùng nông thôn. Xuất phát từ những lợi ích của mỗi gia đình hội viên trong các Tổ hợp tác gắn với Tổ hội nghề nghiệp, một số đơn vị đã và đang chuẩn bị các điều kiện để thành lập các Tổ hội nghề nghiệp như: Hội Nông dân xã Giao Long, Giao Châu, Giao Hải, Giao Hà, Giao Thịnh… điều đó càng khẳng định vai trò của Tổ hội nghề nghiệp gắn với Tổ hợp tác ở nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Để Tổ hợp tác, Tổ hội nghề nghiệp tiếp tục phát triển trên quy mô rộng không chỉ ở huyện Giao thủy mà ở phạm vi toàn tỉnh, đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp chính quyền tạo điều kiện bổ sung nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân huyện nhằm cho vay, hỗ trợ cho các tổ hợp tác và Tổ hội nghề nghiệp phát triển. Hiện nay các tổ hợp tác và Tổ hội nghề nghiệp không có tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng thương mại, do vậy gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra các cấp Hội cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học, giúp đỡ nông dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Điều đó sẽ khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong đời sống xã hội ở nông thôn hiện nay, nhất là đối với hội viên nông dân.

Hoàng Công Trịnh

Chủ tịch HND huyện Giao Thủy