Chuối ngự vườn quê
Cập nhật lúc 8:37, ngày 22/11/2017 (GMT+7)
Có dịp về Nam Định, dạo quanh phố xá thành Nam, bạn sẽ thấy thứ chuối dáng thon nhỏ, chín vàng như tơ, treo từng buồng, từng buồng sáng cả dãy nhà hàng cuối đường Lý Thường Kiệt...

Có dịp về Nam Định, dạo quanh phố xá thành Nam, bạn sẽ thấy thứ chuối dáng thon nhỏ, chín vàng như tơ, treo từng buồng, từng buồng sáng cả dãy nhà hàng cuối đường Lý Thường Kiệt, đầu đường Hưng Yên. Cũng thứ chuối ấy còn trưng  trên các sạp chợ Hoàng Ngân, chợ Rồng.. Màu vàng  lấp ló sau vầng lá khô thơm mùi nắng tươi trong  mấy dãy lều nhỏ, chợ Viềng, bên dòng Vĩnh Giang, gần Đền Trần, Nam Định. Đấy là chuối ngự.

Thế kỷ qua, người Nam Định còn truyền tụng câu phương ngôn:

Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự”, cho thấy cung cách thụ hưởng đặc sản tinh thần (thơ Tú Xương), vật chất (chuối ngự) vùng đất Thiên Trường thật ý vị.

Tương truyền từ xưa, chuối ngự được kén để tiến vua như nhãn tiến (nhãn lồng Hưng Yên), vải tiến (vải thiều Bắc Giang, Hải Dương), chim tiến (sâm cầm Hồ Tây, Hà Nội). Cùng bậc “tiến vua” nhưng chuối tiến lại được vinh danh là chuối ngự. Sự “đặc cách” này không hề có chút thiên vị nào. Bạn thử tưởng tượng rằng mình đã từng được vua ban ngự thiện. Trong "bữa ăn của nhà vua", tay bạn nhẹ nhàng đỡ lên từ chiếc đĩa sứ vẽ hình chim phượng một quả chuối ngự cuống xanh xanh, núm nâu nhỏ, thân tròn căng óng nuột. Bóc lớp vỏ vàng như lụa, bạn sẽ gặp ánh vàng dịu của  ruột chuối xướng lên hương vị ngọt lành. Ăn một lần còn luyến mãi. Nói theo “ngôn ngữ phẩm bình” của nhà bác học Lê Quí Đôn: chuối ngự là thứ chuối có “phẩm cách trời cho”.  Người ta yên tâm khi chọn chuối ngự để dâng lễ thần, Phật, cúng bái tổ tiên bởi sự thanh sạch, dáng vẻ cao quí của loại chuối thượng phẩm này.

Chuối ngự được trồng nhiều ở các xã thuộc huyện Lý Nhân (Hà Nam); các xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc...(Mỹ Lộc, Nam Định) trên dải đất sa bồi  sông Châu, sông Hồng từ ngã ba Tuần Vường xưa, rẽ ngả Đại Hoàng, Đông Trụ; xuôi ngả Phụ Long,Vị Hoàng. Đây vốn là đất vành đai, tiếp giáp cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ...thuộc hành cung Thiên Trường xưa. Miền quê này từng nổi tiếng là một trong mười hai tiên châu thời Trần với tháng chín, tháng mười “Khắp xứ mưa bay, rươi trắng nõn/ Hai bờ sương xuống, quất vàng hung”(Lưỡng ngạn tân sương kim quất quốc/ Mãn thành tế vũ thổ hà thiên - thơ Phạm Sư Mạnh thời Trần). Theo sách Địa chí Nam Định ( Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2003) đất Đại Hoàng xưa  thuộc tổng Cảo Môn, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Đến đầu thế kỷ XIX, mới cắt sang huyện Nam Xang (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) kề “Sông Châu Giang vừa trong vừa mát/ Đường Đại Hoàng lắm cát dễ đi” (Ca dao). Nơi đây có các thửa vườn đất sa bồi tơi xốp, thích hợp cho việc làm vườn trồng chuối ngự. Người trồng chuối ngự phải dụng công từ việc xới, đảo, chia hàng, chọn cây con vừa độ bứng trồng. Người ta thường trồng chuối ngự sau tiết lập xuân. Chuối ngự không ưa trồng ở nơi thiếu nắng, nơi quá nhiều bão gió. Những người chủ vườn nắm vững kỹ thuật cổ truyền, dùng bùn ao phơi ải trộn với khô lạc để bón cho cây chứ không dùng phân tạp. Như thế mới xứng danh người trồng chuối tiến. Cây chuối ngự dáng vẻ  thanh cao, tầu lá xanh màu ngọc bích, bẹ cũng óng xanh. Lá chuối non cuốn tròn thân lụa, phảng phất một mùi hương cao khiết, gợi nhớ câu thơ chữ Nôm trong bài “Ba tiêu” của thi hào Nguyễn Trãi: “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu, gượng mở xem”.Trồng chuối ngự chừng một năm cây mới trổ hoa đậu quả. Quanh năm vất vả trông cây, đến ngày trái mẩy, nải đầy, buồng chuối nặng dần, người trồng cây trong lòng đã vui, nhưng còn phải dùng tre làm nạng chống, đỡ cho thân chuối đứng vững trước mưa to, gió lớn. Lại không để buồng chuối già quá lứa trên cây, chuối sẽ nứt vỏ, kém mã, chỉ tổ làm mồi cho lũ chào mào, sáo sậu kéo đến chia phần.

Từ xưa, các nhà vườn đều có một lò rấm chuối, trát vách tứ phía bằng đất bùn nhào rơm. Lò rấm chuối phải tính vừa đủ chiều cao để treo buồng chuối, mỗi lò đủ rấm mười buồng. Nếu lò làm quá rộng, tản nhiệt, chuối không chín đều hoặc trái bị ám khói là hỏng. Người ta dùng trấu đốt thành than đượm, quạt cho hết khói trong lò rồi mới đưa chuối vào rấm. Chỉ qua một đêm là chuối chín. Một mùi thơm thoang thoảng, một màu vàng ươm khởi sự từ nải đầu đến nải cuối.  Buồng chuối ngự vừa mới ra lò nhìn mà sướng mắt.

Mỗi khi có dịp về Đại Hoàng, Hoà Hậu, Lý Nhân - vùng đất trồng chuối ngự lâu đời, quê nhà văn Nam Cao,  chúng tôi thường tản bộ trên con đường “lắm cát dễ đi" nay đã trải nhựa phẳng lì, bên dòng sông Châu trong biếc đầy tiếng thì thào bãi mía, vườn cây. Lại được nghe tiếng thoi dệt vải sóng lên từ các khung cửi thấp thoáng  bên những nếp nhà vườn hồn nhiên mát rượi.

Ở chốn vườn quê, cây chuối ngự đứng một dáng riêng thanh nhã.

                                                                                                 Phạm Trọng Thanh