Cần lắm liên kết “bốn nhà”
Cập nhật lúc 8:28, ngày 28/12/2016 (GMT+7)
Trong những năm qua nhiều tỉnh trên cả nước đã thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp người nông dân tiếp cận với những giống cây con mới có năng xuất chất lượng cao. ..

 Trong những năm qua nhiều tỉnh trên cả nước đã thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp người nông dân tiếp cận với những giống cây con mới có năng xuất chất lượng cao. Tuy nhiên mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân , nông dân với doanh nghiệp vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; số doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản cả nước còn hạn chế, nông sản chưa tiếp cận được với thị trường quốc tế; chưa tạo được đầu mối tập trung, tin cậy hỗ trợ người nông dân trong thu hoạch , bảo aurn và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên thì việc liên kết “4 nhà” là điểm ưu Việt nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Cái cần của sự liên kết

Trong những năm qua, doanh nghiệp và nông dân là 2 tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó doanh nghiệp là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa - Viên khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đã từng nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ các kiến thức và sự hiểu biết về các vấn đề hội nhập để nhanh chóng đổi mới và chủ động. Các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; phải xây dựng được thương hiệu và chăm sóc thương hiệu theo định hướng cạnh tranh lành mạnh. Để các mối liên kết thật sự mạnh, ngoài việc có năng lực tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản  thì cần có các doanh nghiệp tâm huyết, có trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều HTX sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn gặp khó khăn đầu ra vì không liên kết được doanh nghiệp tiêu thụ. Trong khi các doanh nghiệp lại “than” thiếu hụt nguồn cung nông sản “sạch” do chưa tìm được nơi cung cấp ổn định. Vì vậy, việc cần thiết đối với nông dân là phải phát triển được các trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại và các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng HTX kiểu mới để đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng “làm ăn lớn” với doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, nông dân phải làm quen dần với việc làm ăn theo luật, theo quy ước và thông lệ quốc tế, phải bỏ thói quen làm ăn tự phát để chuyển qua làm ăn theo hợp đồng, liên kết; tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng. Đặc biệt, nông dân cần hiểu biết và nâng cao hơn nữa về quyền và trách nhiệm trong thực thi các hợp đồng kinh tế, tránh tình trạng khi giá nông sản cao thì trì hoãn, né tránh thực hiện hợp đồng còn khi giá nông sản thấp thì hối thúc đối tác để thanh lý hợp đồng.

Với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm sản xuất, việc thực hiện cam kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, bất cập. Hơn nữa, hành động rời rạc, chưa thực hiện quyết tâm của “4 nhà” làm các mô hình sản xuất,  quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp khó khăn.

Để liên kết có chiều sâu

Liên kết “4 nhà” là chìa khóa để khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích cảu các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Để thực hiện tốt liên kết “4 nhà” có chiều sâu và chất lượng, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mà trước hết là hệ thông giao thông, thủy lợi, lưới điện, phát triển nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ.

Ngoài ra, trong việc liên kết “4 nhà” cần phân vai rõ ràng giữa các nhà như thế nào để đảm bảo sự đồng thuận trong cách phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:

Đối với nhà nước: đóng vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần (các nhà) có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình hợp tác, CLB, nhóm sản xuất của nông dân; có chiến lược quy hoạch các vùng nguyên liệu có tiềm năng đáp ứng được nhu cầu của công ty; có chính sách huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân và công ty trong sản xuất và tiêu thụ.

Nhà doanh nghiệp: Có chiến lược dài hạn, lấy chữ tín làm đầu và tạo ra nhiều cơ chế thu hút sự tham gia của các nhà cũng như cần có cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để bảo đảm nguồn cung ứng bền vững; xây dựng khu công nghiệp riêng của công ty như sân phơi, máy sấy, nhà kho.

Nhà khoa học: Nhà khoa học tham gia xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến bảo đảm chất lượng như VietGAP hoặc GlobalGAP và đào tạo nông dân thông qua dự án hay chương trình tư vấn giúp công ty và cũng cần có những hợp đồng nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ giống như hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp thì mới phát huy hiệu quả và bền vững.

Nhà nông: Cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để theo quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của công ty; Nông dân cần năng động liên kết lại với nhau để thành lập các HTX, câu lạc bộ hay nhóm nông dân sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh và thuận tiện khi tham gia liên kết cũng như tiếp nhận và thụ hưởng những chính sách từ nhà nước và tổ chức khác; bên cạnh đó, nông dân cũng cần giữa chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động, như thế mối liên kết này mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, một trong những bài toán khó để nông dân tham gia có hiệu quả vào chuỗi liên kết “4 nhà” này đó là làm sao để dân tin tưởng, bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Để làm được vấn đề ấy, doanh nghiệp cần phải cùng nhà nước quy hoạch vùng nhiên liệu. Quy tụ nông dân, liên kết họ với nhau và với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần thông tin về thị trường, thu thập thông tin, nghiên cứu, đưa ra dự báo về cung cầu thị trường, nhất là thị trường thế giới. Nhà nước phải có vai trò mở rộng thị trường thông qua việc ký kết các hiệp định với các nước, các khối…Từ đó, nhà nước dự báo, đưa ra những quy hoạch sản xuất và thông tin cho người dân biết. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho nông dân hoặc những cơ chế chính sách tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Tóm lại, vấn đề có ý nghĩa quyết định để các liên kết bền vững là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân, đừng để mối quan hệ “4 nhà” trong đó sự tham gia của các nhà mang tính tự nhiên, tự phát, lỏng lẻo chưa có sự ràng buộc bởi một quy tắc nào giữa các bên tham gia.

Tác giả; Quỳnh Nga

Tạp chí Nông thôn mới số 429 kỳ 2 tháng 9/2016